Yên Sơn tích cực triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh

Từ khi HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết, cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, Yên Sơn là huyện tích cực triển khai thực hiện từ khâu tuyên truyền để nhân dân nắm rõ các nghị quyết đến việc tổ chức thực hiện. Bởi vậy, nông, lâm nghiệp của huyện ngày càng có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong phát triển kinh tế trang trại và phát triển rừng.

Thực hiện Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 25 - 7 - 2017 về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao giai đoạn 2018 - 2021 của HĐND tỉnh, theo đánh giá của đoàn giám sát chuyên đề về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Ban Pháp chế HĐND tỉnh mới đây thì huyện Yên Sơn là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích trồng rừng bằng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Trong khi ở nhiều nơi, qua giám sát của HĐND tỉnh, không có hộ nào đăng ký trồng rừng bằng giống cây chất lượng cao do tỉnh hỗ trợ thì đến nay, Yên Sơn đã thực hiện theo sự hỗ trợ của Nghị quyết với trên 584 ha rừng, tập trung nhiều nhất ở xã Tân Tiến. 


Vườn keo của gia đình ông Ma Xuân Nhị, thôn 11, xã Tân Tiến được trồng bằng giống chất lượng cao theo chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh.

Chúng tôi tìm đến đồi rừng của ông Ma Xuân Nhị, người dân thôn 11, xã Tân Tiến. Ông Nhị phấn khởi khi đồi keo mới trồng được vài tháng đã sinh trưởng nhanh gấp mấy lần giống keo thường trước đây. Ông bảo: “Tôi có 5 ha rừng. Vụ trồng rừng năm nay khai thác xong, gia đình tôi đăng ký hỗ trợ và trồng 4 ha giống keo chất lượng cao theo chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh. Giống keo này khép tán và sinh trưởng nhanh hơn hẳn”. 

Trò chuyện với Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Lý Minh Hiếu, chúng tôi cảm nhận ở anh sự quyết tâm khi nói về thực hiện Nghị quyết hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao của HĐND tỉnh. Anh là một trong những người tích cực tuyên truyền, vận động và tổ chức để nhân dân trồng rừng giống chất lượng cao theo chính sách hỗ trợ của tỉnh. Năm 2018, toàn xã trồng gần 180 ha rừng với 100% là giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Riêng trong năm 2019, toàn xã đăng ký trồng gần 60 ha rừng bằng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, đạt 100% kế hoạch giao.

Bên cạnh bước phát triển mới về rừng, Yên Sơn còn là một trong những huyện dẫn đầu về kinh tế trang trại. Nếu như trước năm 2015, cả huyện chỉ có vài chục trang trại thì đến nay có 220 trang trại tổng hợp. Trong đó có 161 trang trại được vay vốn có hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND ngày 22-7-2014 của HĐND tỉnh với số tiền giải ngân trên 64 tỷ đồng. Phát triển kinh tế trang trại ở Yên Sơn đã giúp người dân chuyển đổi tư duy sản xuất chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ sang tư duy sản xuất quy mô hàng hóa, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Mỹ Bằng là một trong 3 xã của Yên Sơn phát triển mạnh trang trại kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh. Theo ông Đỗ Văn Dậu, Chủ tịch UBND xã, trước đây, xã chỉ có hơn chục trang trại thì đến nay đã tăng lên 31 trang trại, trong đó có 23 trang trại được vay vốn theo Nghị quyết này. Nhiều trang trại sau khi được vay vốn đã mở rộng quy mô chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gà thả vườn theo hướng chất lượng cao, quy mô trên 1.000 con.

Trang trại của gia đình ông Bùi Quang Minh, thôn Cây Quýt là một điển hình. Ông Minh bảo, nhờ được vay 500 triệu đồng theo Nghị quyết số 10, gia đình ông đầu tư thêm 130 gốc táo, 250 gốc cam Vinh và 200 gốc bưởi da xanh. Táo đã cho thu hoạch 2 năm nay, còn cam thì năm nay bắt đầu cho thu hoạch. Ngoài ra, ông còn đầu tư nuôi thêm bò sinh sản, nuôi gà thả vườn. Mỗi năm, trừ chi phí, trang trại của ông cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết, huyện xác định việc triển khai các cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh trong phát triển nông, lâm nghiệp là cơ hội để bứt phá mạnh hơn. Do vậy, huyện đã chỉ đạo các xã phải đẩy mạnh tuyên truyền các cơ chế, chính sách đến với người dân, tạo điều kiện để người dân được đăng ký vay vốn, đăng ký hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. 

Để cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân, được người dân hưởng ứng thì cần sự tâm huyết của cán bộ, công chức, trong đó cần chú trọng khâu tuyên truyền rộng rãi để người dân biết và hiểu. Thực tế thời gian qua, một số nơi chưa tổ chức cho hộ dân nào đăng ký trồng rừng bằng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao hay vay vốn thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh trong phát triển nông nghiệp là do nguyên nhân chưa làm tốt công tác tuyên truyền. Đây cũng là tồn tại được chỉ ra trong phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh đối với một số sở ngành, huyện vừa qua. Cách làm ở Yên Sơn cần được nhân rộng tới các địa phương khác.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục