Đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến khích tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn

Nhằm thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết trong thực tế đang gặp một số vướng mắc, khiến người dân chưa tiếp cận nhiều với nguồn vốn hỗ trợ từ chính sách này.

Huyện Yên Sơn đang áp dụng mô hình tưới ẩm cho chè với quy mô 3 ha tại xã Mỹ Bằng. Qua đánh giá, diện tích cây chè được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến cho năng suất cao hơn khoảng từ 20% - 30% so với những diện tích không áp dụng công nghệ tưới tiên tiến và cao hơn 50% - 60% so với diện tích cây trồng cạn không chủ động được nước tưới. Hơn nữa, tưới bằng công nghệ tiên tiến tiết kiệm nước, giảm sức lao động, tăng hiệu quả tưới, thuận lợi cho việc cơ giới hóa và tự động hóa; dễ thích ứng với nhiều loại cây trồng; giúp người sản xuất định lượng, quản lý tốt và kiểm soát được tổng lượng nước dùng.  


Hệ thống tưới phun mưa tự động của gia đình anh Nguyễn Mạnh Thắng, thôn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) được Hội nông dân tỉnh hỗ trợ 80% kinh phí lắp đặt.

Ngoài một số mô hình thí điểm do ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện trên cây chè ở Yên Sơn, cây mía ở huyện Hàm Yên, Sơn Dương, hiện một số cá nhân tự đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn của gia đình. Anh Bá Duy Cường, thôn Làng Luông, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) đã đầu tư hàng chục triệu đồng xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt cho hơn 2,2 ha cam. Anh Cường chia sẻ, toàn bộ hệ thống do anh tự mày mò lắp đặt, nên mới giảm được công lao động, còn hiệu quả kinh tế vẫn chưa đạt như mong muốn. 

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, tổng diện tích cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh hiện có 38.089 ha, trong đó cây cam là 8.363 ha, cây chè là 8.427 ha, cây mía là 8.029 ha, còn lại là các loại cây trồng cạn khác. Trong số này, chỉ có 53,96 ha cây trồng cạn ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Cụ thể, cây cam là 10,7 ha, cây chè là 21,94 ha, cây mía là 12,17 ha, còn lại là cây trồng cạn khác. Tổng diện tích cây trồng cạn được chủ động tưới bằng các biện pháp truyền thống (tưới rãnh, tưới tràn, tưới thủ công) là 12.166 ha. 

Diện tích cây trồng cạn ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn tương đối hạn chế. Theo ngành Nông nghiệp, nguyên nhân do người dân chưa được tiếp cận nhiều với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Chính quyền các địa phương chưa có kinh phí tổ chức thực hiện triển khai công tác tập huấn, tham quan các mô hình ứng dụng công nghệ này để các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân hiểu rõ về các giải pháp, công nghệ, thiết bị và hiệu quả kinh tế đem lại sau đầu tư ứng dụng công nghệ mới.

Thêm vào đó, chi phí đầu tư ban đầu đối với hệ thống thiết bị tưới lớn, trung bình từ 60-70 triệu đồng/ha, trong khi sức cạnh tranh của các sản phẩm từ cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh chưa cao, giá trị sản phẩm/đơn vị diện tích còn thấp; giá cả, thị trường tiêu thụ không ổn định dẫn đến người dân chưa thực sự yên tâm, mạnh dạn đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. 


Anh Bá Duy Cường, thôn Làng Luông, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây cam. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân khiến việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết 02 còn hạn chế là do có nhiều diện tích cây cam, chè, mía manh mún, nhỏ lẻ không đủ điều kiện vay vốn (điều kiện được hỗ trợ đối với cây cam, chè là phải từ 1 ha trở lên, với cây mía là từ 3 ha trở lên). Những hộ có diện tích canh tác đáp ứng điều kiện hỗ trợ thì đã có dư nợ trong các chi nhánh ngân hàng hoặc đã được hỗ trợ khác nên không đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định. Ngoài ra, nhiều diện tích cam, chè hầu hết được canh tác ở những khu vực có địa hình dốc, không có nguồn nước chủ động và hệ thống đường điện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Để Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh thực sự đi vào cuộc sống, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang triển khai thực hiện đề tài ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cho cây chè trên địa bàn huyện Sơn Dương để làm điểm trong việc thăm quan, học tập, rút kinh nghiệm. Đồng thời, ngành đề nghị UBND các huyện, thành phố khảo sát, lựa chọn một số tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn, thuận lợi về nguồn nước và đủ điều kiện để đầu tư ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến vay vốn đầu tư làm mô hình mẫu.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục