Ảnh minh họa |
Đây là đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2017/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Theo đó, dự thảo bổ sung khoản 5 Điều 3 về sử dụng kinh phí thu hồi, quay vòng khi thực hiện các dự án giảm nghèo.
Cụ thể, đối với số kinh phí thu hồi, quay vòng của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quy định cụ thể trong quyết định phê duyệt dự án cơ chế quản lý số thu hồi để sử dụng quay vòng, chỉ thu vào ngân sách nhà nước khi không sử dụng quay vòng hoặc hết nhiệm vụ chi.
Đối với thu hồi bằng tiền mặt được nộp vào quỹ quay vòng hoặc tài khoản tiền gửi để sử dụng quay vòng cho mục tiêu của dự án; thu hồi bằng hiện vật được luân chuyển, quay vòng cho các hộ gia đình tham gia dự án hoặc bán để thu tiền nộp vào quỹ quay vòng hoặc tài khoản tiền gửi sử dụng quay vòng cho mục tiêu dự án: các đơn vị mở sổ theo dõi riêng các khoản thu hồi, quay vòng, luân chuyển. Trường hợp dự án kết thúc, thực hiện thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước số kinh phí đã thực thu hồi từ dự án, không thực hiện quay vòng và luân chuyển.
Nguyên tắc, điều kiện hỗ trợ của ngân sách nhà nước
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 về nguyên tắc, điều kiện hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Cụ thể, các dự án được hỗ trợ phải đảm bảo công khai, dân chủ, bình đẳng giới, có sự tham gia của người dân trong việc xây dựng và thực hiện dự án.
Dự án được hỗ trợ phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Đối với dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, sẽ lựa chọn mô hình mang tính đặc thù, phù hợp với lợi thế so sánh của từng vùng miền, hoặc là mô hình phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cộng đồng và doanh nghiệp, hoặc là mô hình giảm nghèo gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.
Ngân sách sẽ hỗ trợ ưu tiên hộ tham gia dự án có điều kiện về cơ sở vật chất, lao động và tư liệu sản xuất đáp ứng nội dung của dự án.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, hộ không nghèo tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo tự đảm bảo kinh phí thực hiện. Ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ hộ thoát nghèo (hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo) trong khoảng thời gian không quá 3 năm.
Mức hỗ trợ hộ mới thoát nghèo không vượt quá mức hỗ trợ hộ cận nghèo, mức hỗ trợ hộ cận nghèo không vượt quá mức hỗ trợ hộ nghèo.
Mỗi hộ được hỗ trợ tối đa không quá 2 lần, trừ hỗ trợ vắc xin. Trường hợp dự án kết thúc vì lý do khách quan như thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, các hộ tham gia dự án được hỗ trợ tối đa không quá 3 lần.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ