Người dân thôn Đồng Cọ, xã Nhân Mục (Hàm Yên) lắp đặt kênh mương theo cấu kiện bê tông đúc sẵn. |
Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong 6 xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn, đến giữa tháng 10, xã Sơn Nam (Sơn Dương) đạt 17/19 tiêu chí, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) 16/19 tiêu chí, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) đạt 15/19 tiêu chí; 2 xã Nhân Mục (Hàm Yên), Thái Long (TP Tuyên Quang) đạt 14/19 tiêu chí và Lăng Can (Lâm Bình) đạt 10/19 tiêu chí.
Xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) hiện đã hoàn thành 16/19 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt là cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, theo ông Triệu Quang Hải, Chủ tịch UBND xã, 3 tiêu chí còn lại hiện đang được chính quyền xã vận động người dân tích cực thực hiện và phấn đấu hoàn thành trong tháng 10-2018. Hiện Phúc Thịnh đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận các tiêu chí đạt chuẩn, mục tiêu là không nợ tiêu chí, không có tiêu chí “non” so với bộ tiêu chí đã được ban hành.
Nâng cao thu nhập của người dân là mục tiêu lớn nhất của Phúc Thịnh. Ông Triệu Quang Hải, Chủ tịch UBND xã cho biết, qua rà soát, hiện mức thu nhập của Phúc Thịnh đạt 30,5 triệu đồng/người/năm, dự kiến từ nay đến hết năm 2018 sẽ đạt từ 30,7 - 31 triệu đồng/người/năm. Ông Hải cho biết, kết quả này là cả quá trình phấn đấu trong 5 năm trở lại đây của chính quyền và người dân trên địa bàn. Phúc Thịnh tập trung triển khai các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất như mô hình nuôi trâu vỗ béo, trồng rừng cây gỗ lớn, mía, ngô vụ đông… Ngoài ra, trên địa bàn xã hiện đã có hơn 500 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Phúc Thịnh hiện đang triển khai thí điểm cánh đồng mía mẫu với diện tích 3,06 ha, ký cam kết đầu tư và tiêu thụ mía giữa nông dân với Nhà máy đường Tuyên Quang; tiếp tục thực hiện dự án nuôi trâu vỗ béo theo hình thức liên kết với kinh phí hỗ trợ trên 600 triệu đồng. Đồng thời, xã khuyến khích người dân phát huy nội lực, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp. Trên địa bàn xã hiện có 5 trang trại có doanh thu trung bình khoảng 800 triệu đồng/năm và 113 hộ phát triển kinh tế theo hướng kết hợp sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với kinh doanh, dịch vụ, doanh thu trung bình khoảng 120 triệu đồng/hộ/năm.
Trang trại của ông Nguyễn Quang Hùng, thôn Trung Tâm có diện tích khoảng 3 ha, trong đó có 2 ha được trồng 3 lớp cây, lớp cao để che mát là xoan, tầm trung để giữ ẩm là chuối và dưới cùng là cây lá dong. Còn hơn 1 ha trồng cây ăn quả và xây dựng khu vực chăn nuôi lợn quy mô 300 con, lúc cao điểm khoảng 500 con. Để ổn định đầu ra, ông Hùng liên kết với 1 công ty cung cấp thức ăn theo hình thức, trang trại tiếp nhận, tiêu thụ thức ăn cho công ty; phía công ty sẽ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm lợn hơi cho trang trại với giá hợp lý theo thỏa thuận của 2 bên vào từng thời điểm. Ngoài ra, ông Hùng bổ sung thức ăn xanh từ chuối, rau củ cho lợn. Cách chăn nuôi này cho chất lượng thịt lợn ngon hơn so với chăn nuôi bằng cám công nghiệp hoàn toàn, thịt chắc và thơm hơn. Hiện đã có nhiều đầu mối ở các tỉnh, thành phố như Thái Nguyên, Hà Nội tìm đến tận nơi đặt mua sản phẩm lợn của trang trại, trung bình mỗi tháng gia đình ông Hùng xuất bán từ 1,8 đến 2 tấn lợn hơi. Ngoài ra, trang trại còn một nguồn thu đều đặn và thường xuyên từ 10 - 12 triệu đồng/tháng từ bán chuối và lá dong.
Lăng Can (Lâm Bình) hiện là xã đạt số tiêu chí thấp nhất, 10/19 tiêu chí. Còn 9 tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh xã đang dồn sức hoàn thiện. Theo UBND xã, hiện Lăng Can đang tập trung xây dựng 1,2 km đường trục xã, đến nay 0,6 km đoạn đường Nà Đon- ĐT 188 đã tập kết xong vật liệu, hoàn thiện san ủi mặt bằng; 0,6 km đoạn đường từ Bản Khiển - Nà Mèn hiện đang giải phóng mặt bằng.
Ngoài việc tập trung xây dựng 0,6 km đường trục xã, xây dựng trường mầm non và trường THCS, 3 nhà văn hóa, 2 sân thể thao, mua sắm trang thiết bị 11 nhà văn hóa, Lăng Can huy động các nguồn lực xóa 28/33 nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo… Qua rà roát sơ bộ đến giữa tháng 9, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 29,7 triệu đồng, phấn đấu đến hết năm 2018 đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Lăng Can hiện đã triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất như nuôi lợn đen, gà đen, dê, trồng rau đặc sản… Mục tiêu trong năm 2018, xã giảm 284 hộ nghèo, đến thời điểm hiện tại có 261 hộ đủ điều kiện thoát nghèo, đến cuối năm tiếp tục giảm 23 hộ.
Xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) cũng đăng ký về đích nông thôn mới vào năm nay. Qua rà soát đến hết tháng 9 -2018, Đội Cấn đã hoàn thành 14/19 tiêu chí. Đội Cấn đang đề nghị Điện lực thành phố và Yên Sơn xây mới 1 trạm biến áp và nâng cấp đường dây hạ thế tại các thôn Khe Cua, Vôi Thủy, thôn 9, thôn 3 để đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Đội Cấn hiện cũng đang hoàn thành xây dựng trường học các đã được triển khai xây dựng và dự kiến hoàn thành trong năm 2018; hoàn thành xây dựng 3 nhà văn hóa thôn, hỗ trợ trang thiết bị và cơ sở vật chất đối với 16/16 nhà văn hóa thôn. Hiện Đội Cấn đã hoàn thành xóa 44/51 nhà tạm, vận động 154 hộ dân xây dựng mới công trình nhà tiêu hợp vệ sinh; quy hoạch và xây dựng nghĩa trang chung của xã 5 ha tại địa điểm thôn 11...
Không chỉ các xã về đích nông thôn mới hoàn thiện hạ tầng nông thôn mới, thực hiện Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh về xây dựng 3 công trình hạ tầng, 9 tháng năm 2018, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành 92,89 km đường nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, 189,22 km kênh mương bằng cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn, 91 nhà văn hóa gắn với sân thể thao và khuôn viên... Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo tại các địa phương, tạo đà để thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.