Phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân

Tại Kỳ họp thứ Ba khai mạc đầu tuần tới (ngày 23/5/2022), Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với phạm vi bao quát, toàn diện là rất cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ XHCN, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Phạm vi bao quát, toàn diện

Việc ban hành dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở giúp hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước. Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; cụ thể hóa đầy đủ các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội gồm 7 chương, 74 điều, quy định về những vấn đề chung trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm: phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc thực hiện; quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở; hành vi bị nghiêm cấm, xử lý vi phạm. Đồng thời quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (bao gồm công khai thông tin ở cấp xã), trong cơ quan, đơn vị (bao gồm công khai thông tin trong cơ quan, đơn vị), trong doanh nghiệp (bao gồm quy định về công khai thông tin); Nhân dân bàn, quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát; người lao động quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát (áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp và quy định đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước). Dự thảo Luật cũng quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân; về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã, người đứng đầu cơ quan đơn vị, người sử dụng lao động, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong bảo đảm và tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở…

Làm rõ hơn các quy định về hình thức kiểm tra, giám sát của người dân

Tổng kết thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy, quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã phát sinh các hạn chế, bất cập. Trong đó, phạm vi nội dung Nhân dân bàn và quyết định còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu và sự kỳ vọng của Nhân dân cũng như tinh thần mở rộng dân chủ trực tiếp tại Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Nhân dân chủ yếu bàn và quyết định các nội dung do UBND cấp xã chỉ đạo Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố đề xuất, chưa phát huy được vai trò của người dân và các chủ thể khác trong việc đề xuất những nội dung đưa ra Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp. Bên cạnh đó, thực tiễn cũng cho thấy, hình thức giám sát, kiểm tra thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị còn hạn chế; chưa quy định hình thức giám sát, kiểm tra thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba có nhiều điểm mới liên quan đến các quy định về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn; thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị; thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp; trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chế định về Thanh tra Nhân dân...

Về cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự thảo Luật có các điểm mới như: quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định cụ thể trách nhiệm của HĐND, UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và chế độ báo cáo về thực hiện dân chủ ở cơ sở; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; trách nhiệm của MTTQ Việt Nam nói chung và trách nhiệm của MTTQ cấp xã nói riêng; trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ủy ban Pháp luật thấy rằng, để tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân đã được quy định trong Hiến pháp, bảo đảm thực quyền của người dân, cơ quan chủ trì thẩm tra đề nghị, trong dự thảo Luật cần làm rõ hơn nữa các quy định về hình thức kiểm tra, giám sát của người dân, nội dung kiểm tra, giám sát, hiệu lực của kiến nghị sau kiểm tra, giám sát và việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát của người dân. 

Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị Khóa VIII, Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị Khóa XI và Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đều nhấn mạnh yêu cầu phát huy, mở rộng dân chủ phải đi đôi với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; quyền hạn gắn với trách nhiệm, lợi ích đi đôi với nghĩa vụ, chống quan liêu và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của Nhân dân. Ủy ban Pháp luật thấy rằng, mặc dù dự thảo Luật đã có một số quy định về các hành vi bị nghiêm cấm nhưng vẫn chưa cụ thể về chế tài và hình thức xử lý, các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của cả phía người dân và phía các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong mối quan hệ về thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng còn chưa thật cụ thể, rõ ràng, còn thiếu quy định nghiêm cấm việc phân biệt đối xử về giới trong thực hiện dân chủ ở cơ sở... Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thêm các quy định có liên quan trong dự thảo Luật. 

Theo Báo đại biểu nhân dân

Tin cùng chuyên mục