Đề cao vị thế, vai trò của người uy tín

Hàng năm, Tuyên Quang tổ chức cho đội ngũ người uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, năm 2022 thật đặc biệt khi Đoàn đại biểu người có uy tín của tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước gặp mặt sau chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. Đó là sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và đề cao vị thế, vai trò của người người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Trở về sau cuộc gặp gỡ với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bà Bàn Thị Lan, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, người có uy tín của thôn Yên Bình, xã Phú Bình (Chiêm Hoá) đi đến đâu cũng được cán bộ, Nhân dân trong và ngoài thôn hỏi thăm. Bà hồ hởi cười bảo, 20 năm gắn với việc thôn, 2 năm được UBND tỉnh công nhận là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chưa bao giờ bà nghĩ mình được gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người đứng đầu đất nước. "Vinh dự lắm, tự hào lắm! Càng vinh dự và tự hào, tôi càng thấy trách nhiệm của người đảng viên đối với đồng bào của mình" - Bà Lan nói.


Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đoàn công tác người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh gặp gỡ và chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Phủ Chủ tịch.

Thôn Yên Bình có gần 100 hộ dân, trong đó, có trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Diện tích đất sản xuất của thôn hạn chế, đời sống kinh tế của thôn còn nhiều khó khăn. Theo chuẩn nghèo mới, hiện  nay, toàn thôn còn tỷ lệ hộ nghèo trên 70%. Đây là thách thức lớn đối với người bí thư chi bộ, trưởng thôn. Bằng sự uy tín của mình, bà Lan quyết tâm lãnh đạo, vận động đảng viên và quần chúng Nhân dân thực hiện thành công chương trình giảm nghèo. 

Với ông Mông Thanh Thuận, Bí thư chi bộ, người có uy tín của thôn Cây Chanh, xã Chiêu Yên (Yên Sơn), được gặp gỡ và trực tiếp đề xuất với đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc những khó khăn, trăn trở là một vinh dự lớn lao. Ông đã bày tỏ với đồng chí Chủ tịch nước về quan tâm hơn nữa, xây dựng chế độ, chính sách hỗ trợ người uy tín theo hàng tháng. Đồng thời Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm, hỗ trợ một phần kinh phí để duy trì hoạt động của các Câu lạc bộ, tổ, nhóm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của tỉnh Tuyên Quang nói riêng, của cả nước nói chung. “Đồng chí Chủ tịch nước đã tiếp thu ý kiến của tôi. Tôi kỳ vọng, trong thời gian tới, đội ngũ người uy tín của tỉnh khi được quan tâm hơn sẽ tận tụy, trách nhiệm hơn, tạo được nhiều dấn ấn mới trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa”.

Bà Bàn Thị Lan, ông Mông Thanh Thuận là 2 trong số 44 người có uy tín tiêu biểu vinh dự được gặp gỡ Chủ tịch nước. Khi trở về, ai nấy đều tự hào và chung một quyết tâm cùng với hệ thống chính trị tiếp tục làm tốt hơn vai trò “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Tại cuộc gặp gỡ với đoàn đại biểu người có uy tín của tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Các già làng, trưởng bản, người có uy tín là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác". Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc rất quan trọng của lãnh đạo và người có uy tín là quan tâm xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh đối với vùng đồng bào dân tộc. Hệ thống chính trị đó phải gần dân hơn, hiểu dân hơn, trọng dân hơn và hết mực phụng sự Nhân dân; quan tâm chăm lo xây dựng đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín là đồng bào dân tộc thiểu số. Đảng, Nhà nước luôn coi công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của đất nước; luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác dân tộc và các chính sách, dự án phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Minh chứng là vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ma Quang Hiếu cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 và những năm tiếp theo là triển khai, thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 1.119 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh không chỉ là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân mà còn vừa là lực lượng trực tiếp tham gia, vừa giám sát thực hiện. Hệ thống chính trị các cấp của tỉnh kỳ vọng, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào tiếp tục nêu gương sáng cho con cháu và cộng đồng; là nhân tố tích cực để đưa Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai đạt hiệu quả cao, góp phần đưa chất lượng đời sống kinh tế, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số nâng lên.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục