Gắn liền chính sách và đường lối quần chúng
Hơn 70 năm trước đây, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành những thắng lợi quan trọng; toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức thực hiện đường lối kháng chiến "toàn dân, toàn diện, trường kỳ và nhất định thắng lợi", lúc đó, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có một số biểu hiện quan liêu, nói nhiều, làm ít, làm chưa đến nơi đến chốn. Nhận thấy trong những cuộc kiểm thảo tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi có một thiếu sót chung và quan trọng là chưa nêu thật rõ tinh thần trách nhiệm, để kịp thời chỉnh đốn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Tinh thần trách nhiệm” bút danh C.B đăng trên báo Nhân dân, số 36, ngày 13.12.1951.
Cần cụ thể hóa tiêu chí “phải liên hệ chặt chẽ với cử tri” thành những chuẩn mực hoạt động của cơ quan thường trực HĐND và của người đại biểu. |
Người viết: “Tinh thần trách nhiệm là gì?” Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v... là không có tinh thần trách nhiệm”.
Người nêu rõ bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh khó khăn thì tìm mọi cách vượt qua, cố tìm cách giải quyết đúng và nhấn mạnh: “Tinh thần trách nhiệm là: Nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đề ra đều vì lợi ích của Nhân dân. “Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, hiểu suốt hoàn cảnh thiết thực của đơn vị, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu thấu và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy. Như thế là làm trọn nhiệm vụ”.
Về phương pháp, Người chỉ rõ: “Để thực hiện chính sách, làm trọn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình...”. “Tinh thần trách nhiệm là gắn liền chính sách và đường lối quần chúng, để làm trọn nhiệm vụ”. Đó là phương pháp cách mạng “Đưa chính trị vào giữa dân gian” - một trong những quan điểm và nghệ thuật dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nguyên giá trị, đã được thực tiễn cách mạng kiểm nghiệm là đúng đắn, đem lại sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Phẩm chất làm nên giá trị
Nói về tinh thần trách nhiệm của người đại biểu dân cử, trước cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta năm 1946, Bác Hồ đã từng nhắn nhủ những người trúng cử làm đại biểu nhân dân: “Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”.
Hơn 76 năm qua kể từ ngày thiết lập Nhà nước dân chủ, cộng hòa và 47 năm ngày thống nhất đất nước; học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ cách mạng và những người đại biểu nhân dân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, một lòng một dạ tận tụy phục vụ Nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, hội nhập, phát triển, tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước như ngày nay.
Trong giai đoạn phát triển mới, thực hiện chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trách nhiệm người đại biểu nhân dân đã được luật hóa, quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Luật Tiếp công dân 2013. Trong đó, ĐBQH, đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ và thường xuyên tiếp xúc với cử tri, thu thập, phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; thực hiện tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri, Nhân dân.
Mặc dù thể chế không ngừng được hoàn thiện, nhưng không thể luật hóa tất thảy thành quy tắc, chuẩn mực hoạt động của đại biểu. Vì vậy, Nhân dân đòi hỏi và kỳ vọng ở tinh thần trách nhiệm, tức là tâm huyết, thái độ, nhận thức quyết định hành động của người đại biểu, đó cũng chính là phẩm chất làm nên giá trị cốt lõi của người đại biểu Nhân dân.
Tuy vậy, có đại biểu sau khi trúng cử thì viện cớ “nhiều việc” đã “quên” hoặc chỉ miễn cưỡng liên hệ với cử tri, suốt nhiệm kỳ chưa một lần tham gia tiếp công dân, chưa chủ động gặp gỡ những người đã bầu ra mình. Một nhà báo ở tỉnh nọ phản ánh: có người dân là cử tri xin gặp một đại biểu HĐND tỉnh đang công tác trong lĩnh vực nội chính để trình bày việc oan ức thì đại biểu này không tiếp, cho rằng không liên quan, đùn đẩy, “mời” họ sang bên cơ quan tiếp công dân (!?). Hay khi nhà báo ngỏ ý giới thiệu một người dân đến gặp một ĐBQH cũng để trình bày việc oan ức thì vị đại biểu này tìm cách thoái thác, giới thiệu sang đại biểu khác (!).
Thực tế, một số đại biểu và cơ quan thường trực HĐND chưa làm tròn bổn phận, chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Những tồn tại trên là biểu hiện quan liêu, đi ngược với quyết tâm đổi mới, cống hiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh.
Yếu tố tạo nên giá trị chuẩn mực người đại biểu
Tinh thần trách nhiệm và thể chế pháp luật là hai yếu tố quyết định tạo nên giá trị chuẩn mực đạo đức công vụ của người đại biểu dân cử.
Trước hết, về tinh thần trách nhiệm, Nhân dân đòi hỏi người đại biểu phải có tâm huyết, làm trọn nhiệm vụ, quyền hạn dân “ủy thác” đã được luật hóa. Mặt khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần coi trọng công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục phẩm chất thân dân của người đại biểu; biểu dương, khen thưởng kịp thời những đại biểu hoạt động tốt, có sáng kiến lập pháp giá trị, có đóng góp quan trọng đề xuất hoạch định, điều chỉnh chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vì lợi ích của Nhân dân, được Nhân dân tin yêu.
Cùng với đó, sớm hoàn thiện thể chế pháp luật, cụ thể hóa tiêu chí “phải liên hệ chặt chẽ với cử tri” thành những chuẩn mực hoạt động của cơ quan thường trực HĐND và của người đại biểu. Xen kẽ các cuộc TXCT, tiếp công dân định kỳ theo lịch chung của Đoàn ĐBQH, Tổ đại biểu HĐND đã được công bố, nên chăng quy định từng đại biểu phải chủ động tiến hành các hoạt động độc lập, định kỳ TXCT, tiếp công dân ở phạm vi hẹp tại địa bàn các Tổ bầu cử/khu vực bỏ phiếu mình đã trúng cử (có thể ứng dụng công nghệ thông tin để TXCT, tiếp công dân). Quy định rõ tiêu chí thế nào là đại biểu “không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân” làm cơ sở đánh giá, phê bình hoặc miễn nhiệm chức vụ, bãi nhiệm đại biểu, coi đó như một động lực khách quan giúp cơ quan dân cử ngày càng vững mạnh, xứng đáng là những người tiêu biểu cho trí tuệ của cử tri và Nhân dân.