Đừng để đơn thư “chạy lòng vòng”!

"Hiện nay có tình trạng chuyển đơn lòng vòng và các cơ quan nhận được là chuyển. Thực trạng này tồn tại từ hàng chục năm nay rồi". Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã thẳng thắn chỉ ra tồn tại này tại Phiên họp thứ Chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.

Câu chuyện đơn thư của công dân chạy lòng vòng là vấn đề không mới. Chúng ta hoàn toàn chia sẻ với những trăn trở của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khi tình trạng này đã từng được nhắc tới ở nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Còn nhớ, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII cho ý kiến về dự thảo Luật Tiếp công dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đó đã thẳng thắn: Công tác giải quyết khiếu nại của người dân chưa tốt, đơn thư còn bị chuyển vòng vèo, dẫn đến nhiều vụ tồn đọng, thậm chí dẫn đến khiếu kiện vượt cấp. Từ thực tế này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu các ngành, các cấp phải giải quyết xong phần việc của mình, phải quy trách nhiệm cụ thể, không thể cứ tiếp dân rồi lại chuyển đến 3 - 4 nơi. Nếu không rõ được trách nhiệm thì những tồn tại này sẽ không được giải quyết.  

Tình trạng đơn thư công dân đi lòng vòng là một trong những điểm nghẽn trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của thời gian qua. Điều này không chỉ gây bức xúc cho công dân mà còn làm khó cho cả cơ quan tiếp nhận và giải quyết các đơn thư này.  

Dù không nhiều nhưng từ thực tế giải quyết đơn thư cho thấy, có những vụ việc khiếu nại, tố cáo được địa phương ở cấp huyện, tỉnh, cơ quan có liên quan đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân vẫn gửi đơn thư lên Trung ương và đơn thư này lại được chuyển đơn về địa phương đề nghị xem xét, giải quyết. Điều này đã làm cho một số cơ quan tiếp nhận đơn thư đã trở thành “chim đưa thư” bất đắc dĩ! Đường đi “lòng vòng” của đơn thư là một trong những nguyên nhân làm tăng sự bức xúc của những người khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là với những vụ việc kéo dài hàng chục năm trời mà không được giải quyết một cách thấu đáo, triệt để. Điều này ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật. Thậm chí có thể ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.

Không chỉ công dân gửi đơn thư lòng vòng, nhiều nơi, vượt cấp mà các cơ quan tiếp nhận đơn thư lòng vòng cũng có. Câu hỏi đặt ra là, vì sao đã có quy trình tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư của công dân mà tình trạng đơn vòng vèo vẫn cứ xảy ra? Do phía người dân chưa tuân thủ các quy định pháp luật hay do việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền chưa đúng, chưa kịp thời, chưa làm hết trách nhiệm? Thực trạng này là do vướng mắc từ chính sách, pháp luật, hay khâu tổ chức thực hiện? Làm thế nào để đơn thư lòng vòng không tái diễn? Cử tri mong rằng, những câu hỏi này sẽ được làm rõ sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề trong năm nay về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021”.

Việc chưa thể kiểm soát được đường đi đơn thư của công dân đến những địa chỉ cụ thể nào đã làm cho việc thống kê đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân không bảo đảm tính xác thực. Để khắc phục được tình trạng này, trước tiên cần nâng cao trình độ, kỹ năng đối với cán bộ tiếp công dân. Cán bộ tiếp công dân phải “đủ tâm, đủ tầm”. Việc xử lý đơn phải bảo đảm tuân thủ pháp luật; nhanh chóng, kịp thời; rõ ràng, thống nhất và tạo điều kiện thuận tiện cho công dân trong việc thực hiện các thủ tục về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Đơn phải được chuyển đến đúng địa chỉ, đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm trách nhiệm đối với công dân “loạn gửi đơn”, hay cá nhân, cơ quan để xảy ra tình trạng chuyển đơn lòng vòng.

Cùng với đó, để bảo đảm minh bạch thông tin, các bộ, ngành, địa phương cần tích hợp thông tin đầy đủ trên Cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua đó, góp phần công khai kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Sự minh bạch này giúp công dân, cơ quan có liên quan giám sát quá trình tiếp nhận, giải quyết đơn thư; tránh tình trạng bỏ sót đơn thư, chuyển đơn lòng vòng, hay giải quyết đơn thư của công dân chưa thật sự “đến nơi, đến chốn”.

Theo daibieunhandan.vn

Tin cùng chuyên mục