Kỳ họp chuyên đề Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIX: Mở ra không gian phát triển mới, tận dụng tối đa các nguồn lực

Tại kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh Khóa XIX vừa được tổ chức, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã dân chủ thảo luận, thống nhất thông qua 11 nghị quyết thuộc các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng, tài nguyên - khoáng sản, bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục và quản lý nhà nước về dân cư, nhà ở. Trong đó, Nghị quyết Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội, không gian phát triển mới, khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Kỳ họp chuyên đề được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị tỉnh với điểm cầu Trụ sở của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và 7 điểm cầu tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Trọng tâm là phát triển 3 trụ cột kinh tế

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh: Trên cơ sở bàn thảo kỹ, HĐND tỉnh đã thống nhất cao thông qua Nghị quyết Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đã được UBND tỉnh và các cơ quan liên quan chuẩn bị công phu, bảo đảm đúng chủ trương của Trung ương, của Tỉnh ủy và quy định của pháp luật, có tầm nhìn chiến lược, phương pháp quy hoạch hiện đại, phù hợp thực tiễn. Quy hoạch tỉnh được lập đã tích hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh, khắc phục được tình trạng chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ trước đây; nâng cao sự gắn kết giữa chiến lược với quy hoạch, kế hoạch, đầu tư; xác định đúng mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển một cách bài bản, khoa học.

Khi Quy hoạch được phê duyệt, đưa vào thực hiện sẽ mở ra cơ hội, không gian phát triển mới, khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột kinh tế: “Công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; phát triển du lịch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc sản gắn với phát triển lâm nghiệp bền vững”, cùng với 4 cực tăng trưởng, 3 trục động lực để năm 2030, Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong vùng Trung du Miền núi phía Bắc; đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển thu nhập cao của vùng Trung du Miền núi phía Bắc…

HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp thu ý kiến tại Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, của Hội đồng thẩm định Quốc gia, đồng thời cập nhật các văn bản mới, như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị để khẩn trương hoàn thiện quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ động chuẩn bị các điều kiện để thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được phê duyệt. Đặc biệt, chú ý khâu quản lý, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của quy hoạch; cụ thể hóa quy hoạch thành các kế hoạch chi tiết và huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch. 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung

Trên cơ sở bàn thảo kỹ, HĐND tỉnh Tuyên Quang cũng đã thông qua các nghị quyết về: Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích thực hiện một số Dự án đầu tư; Bổ sung danh mục dự án thực hiện thu hồi đất năm 2022 theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn thành phố Tuyên Quang; Nghị quyết bổ sung danh mục dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2022 tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2021 sang năm 2022 tỉnh Tuyên Quang, là cơ sở để tiếp tục quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn.

Bảo đảm quyền lợi, an sinh xã hội cho người dân

Nghị quyết Quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập có ý nghĩa quan trọng đối với công tác phòng, chống Covid-19. Việc thực hiện nghị quyết sẽ góp phần quản lý chặt chẽ hơn các dịch vụ y tế; bảo đảm quyền lợi, an sinh xã hội cho người dân, góp phần thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân và quá trình tự chủ đối với các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh...

Sớm đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh: Dự báo trong thời gian tới, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, HĐND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn theo chủ đề điều hành năm 2022 của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của chính quyền các cấp theo hướng trọng tâm, trọng điểm, sáng tạo hơn. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, xã hội số…

Nhấn mạnh các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển trước mắt và lâu dài của tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu: UBND tỉnh nhanh chóng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương sớm đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống. HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các mặt hoạt động; đặc biệt quan tâm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của tỉnh, chính sách pháp luật của Nhà nước phù hợp tình hình của địa phương, sẵn sàng tổ chức các kỳ họp khi cần thiết…

Bách Hợp
Báo điện tử ĐBND

Tin cùng chuyên mục