Liêm chính trong xây dựng pháp luật

Cần quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra việc lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật; quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội nghị triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Quyết tâm liêm chính trong xây dựng pháp luật một lần nữa được người đứng đầu Chính phủ khẳng định tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2 vừa qua. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nguyên tắc xây dựng pháp luật là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, song tạo điều kiện cho đổi mới, sáng tạo; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết. Thủ tướng nhấn mạnh, không đặt lợi ích của bộ, ngành trong xây dựng pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm và kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực. Đối với các luật liên quan các vấn đề kinh tế phải bảo đảm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và bảo đảm các cân đối lớn; cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò quản lý, song không làm thay, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” là cách nói để chỉ sự cài cắm một cách khéo léo lợi ích của cơ quan quản lý nhà nước khi được giao soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Tình trạng “cài cắm” lợi ích này được nhìn nhận như một dạng “tham nhũng chính sách” được nhiều người nhắc đến thời gian qua. Nếu không được phát hiện kịp thời, tình trạng này vô hình trung tạo nên những quy định pháp luật mang lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân. Điều này sẽ làm cho chính sách bị méo mó, ảnh hưởng đến lợi ích chung của xã hội.

Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để ngăn chặn được tình trạng cài cắm lợi ích cục bộ? Đây là vấn đề trăn trở của các nhà lập pháp và cũng là mong mỏi của người dân và doanh nghiệp. Bởi chỉ có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, thống nhất vì cái chung thì mới bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của nhà nước, của người dân và doanh nghiệp, không phải bảo vệ quyền lợi không chính đáng của một nhóm cá nhân, hay tổ chức nào đó. Điều này chỉ có được khi liêm chính trong xây dựng pháp luật được bảo đảm.

Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cũng từng trăn trở về vấn đề này. Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Khóa XIV Nguyễn Mai Bộ đã nhấn mạnh: liêm chính trong công tác xây dựng pháp luật rất cần thiết vì liêm chính sẽ giúp xây dựng được những văn bản pháp luật khách quan, toàn diện, có ý nghĩa tốt trong việc thúc đẩy quan hệ xã hội ngày càng tốt hơn. Nếu không có sự liêm chính trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án luật thì sẽ tạo ra những văn bản pháp luật rất nhiều “khuyết tật”. Ba “khuyết tật” được ông Bộ chỉ ra là: mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật đã ban hành trước đó; pháp luật trở thành công cụ để cơ quan soạn thảo hoặc là hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành mình trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân, hoặc là công cụ để chiếm quyền bộ, ngành khác; vòng đời của các văn bản pháp luật đó rất ngắn, làm tốn thời gian, kinh phí để thay thế.

Việc cơ quan được giao soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ lợi ích bộ, ngành mình trong quá trình xây dựng chính sách là tâm lý rất khó tránh khỏi. Điều quan trọng là cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra các dự thảo luật cần nhìn rõ được các lợi ích được cài cắm một cách tinh vi để sớm loại bỏ, ngăn chặn. Với vai trò là cơ quan “gác cổng” cho Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp sớm phát hiện và kiên quyết nói “không” với những dự thảo văn bản có biểu hiện “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” ngay từ khâu thẩm định.

Cùng với đó, các cơ quan của Quốc hội được giao chủ trì thẩm tra và phối hợp thẩm tra cũng phải quyết liệt với những dự thảo có “bóng dáng” của cài cắm lợi ích bộ, ngành. Muốn vậy, cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật phải có trình độ, bản lĩnh để phản biện, dám nói thẳng để xây dựng. Những người hoạt động trong công tác lập pháp phải lắng nghe cơ quan trình dự thảo luật, lắng nghe các chuyên gia, lắng nghe từ thực tiễn cuộc sống để công tác xây dựng pháp luật bảo đảm tính minh bạch, công khai, để không còn chỗ cho những lợi ích nhóm. Đó là yêu cầu rất cao mà nhân dân và cử tri đặt ra đối với những người làm luật. Bởi như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh: Chúng ta yêu cầu Chính phủ liêm chính, hành động thì công tác lập pháp cũng phải liêm chính, không để “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” cài cắm vào quá trình xây dựng luật.

Theo daibieunhandan.vn

Tin cùng chuyên mục