Nhiều gợi mở, định hướng thiết thực cho hoạt động của Hội đồng nhân dân

Cùng với ghi nhận những kết quả tích cực trong hoạt động của HĐND các tỉnh, thành năm đầu nhiệm kỳ, phát biểu kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương năm 2021, triển khai kế hoạch công tác năm 2022 (khu vực miền Bắc) đã đặt ra nhiều gợi mở, định hướng rất thiết thực cho hoạt động của HĐND trong năm 2022 và cho cả nhiệm kỳ. Với mong muốn, Quốc hội, HĐND cùng nỗ lực thi đua để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, kỳ vọng và mong muốn của cử tri, Nhân dân cả nước cũng như từng địa phương.

Vừa là kinh nghiệm, vừa là động lực thôi thúc

Nhìn lại hoạt động của HĐND năm 2021 - năm đầu nhiệm kỳ, có thể thấy rõ những chuyển động rất tích cực, rộng khắp trong tổ chức và hoạt động có nguyên nhân quan trọng từ những tác động tích cực bởi “làn gió mới” đến từ những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Theo đó, những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội Khóa XV đã tạo ra khí thế mới trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND các cấp, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao, đúng như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu kết luận tại Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương năm 2021, triển khai kế hoạch công tác năm 2022 khu vực miền Bắc.

Là hình mẫu trong tổ chức và hoạt động, cách làm tiên phong của Quốc hội đã dẫn dắt, thúc đẩy HĐND các địa phương không ngừng nỗ lực, đổi mới để vươn lên, có tác dụng lan tỏa rất lớn, vừa là kinh nghiệm, vừa là động lực thôi thúc các cơ quan dân cử địa phương cũng phải đặt mình vào quỹ đạo chung đó: Đã đổi mới, hành động rồi thì đổi mới, hành động hơn nữa; chưa đổi mới, chưa quyết liệt thì cũng phải từng bước nỗ lực để hoạt động ngày càng hiệu quả, thực quyền, ngày càng xứng đáng hơn với lá phiếu của niềm tin, kỳ vọng của cử tri, Nhân dân đã tin tưởng dành cho mình.

Nhìn lại hoạt động của HĐND các địa phương trong năm 2021 có thể thấy rõ tinh thần chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, vào cuộc từ sớm, từ xa đã thẩm thấu sâu rộng, Thường trực HĐND nhiều địa phương đã có sự chuẩn bị dài hơi hơn, thể hiện ở các chương trình toàn khóa cho các hoạt động; nhất là thái độ dứt khoát, kiên quyết hơn với những dự thảo nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng. Là tinh thần đồng hành với UBND trong công tác phòng chống dịch bệnh, chăm lo đời sống Nhân dân, nhất là các đối tượng yếu thế khi đã kịp thời, linh hoạt trong ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, trao quyền chủ động nhiều hơn cho UBND trong thực hiện các biện pháp cấp bách bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, chủ trương của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong tăng cường, chú trọng tổ chức tham vấn, tọa đàm lấy ý kiến sâu rộng các chủ thể, đối tượng liên quan… để phát huy tối đa trí tuệ các đại biểu dân cử và thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu trong và ngoài nước xây dựng chính sách, pháp luật sát đúng yêu cầu thực tiễn đã và sẽ tiếp tục tác động lan tỏa, thôi thúc rất lớn đến hoạt động của cơ quan dân cử địa phương. Để qua đó, hoạt động của HĐND không chỉ thể hiện vai trò chủ động trong thực hiện chức năng quyết định mà còn góp phần quan trọng khẳng định bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân được tôn trọng thông qua cơ chế dân chủ đại diện.


Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022. Ảnh: Lâm Hiển.

Cùng thi đua hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ

Cùng với ghi nhận những kết quả tích cực trong hoạt động của HĐND các tỉnh, thành trong năm đầu nhiệm kỳ, phát biểu kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đặt ra nhiều gợi mở, định hướng rất thiết thực cho hoạt động của HĐND trong năm 2022 và cho cả nhiệm kỳ.

Đó là việc tiếp tục rà soát, xây dựng, trình cấp ủy cùng cấp thông qua chủ trương hoặc HĐND ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cho cả nhiệm kỳ để chủ động từ sớm, từ xa trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ thể chế kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng thể chế, cụ thể hóa các Nghị quyết đặc thù của Quốc hội đối với mô hình tổ chức chính quyền và cơ chế, chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố. Là việc tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, điển hình như giám sát chuyên đề bằng hình ảnh như cách làm của HĐND tỉnh Tuyên Quang... Thực tế thời gian qua, vẫn còn những địa phương chưa thực sự chủ động, nỗ lực vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao.

Là trăn trở, lúng túng lâu nay của HĐND nhiều địa phương trong việc ban hành cơ chế huy động sự tham gia của các chuyên gia trong hoạt động, nhất là hoạt động giám sát. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về việc sử dụng các chuyên gia, cộng tác viên trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội sẽ là động lực rất lớn, nếu được hướng dẫn rõ hơn, tin rằng nhiều địa phương sẽ ban hành được cơ chế này, góp phần huy động sâu rộng trí tuệ của các chuyên gia, cộng tác viên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của cơ quan dân cử địa phương.

Đó còn là yêu cầu các đại biểu, cơ quan dân cử địa phương cần trăn trở, trách nhiệm hơn với vai trò giám sát tại chỗ đối với những vấn đề, vụ việc, sai phạm ở cơ sở. Thực tế thời gian qua, rất nhiều sai phạm được phát hiện qua điều tra, nhất là qua dư luận xã hội, phản ánh  của các cơ quan báo chí… còn vai trò giám sát của HĐND chưa được thể hiện rõ. Thực tế này đặt ra yêu cầu các đại biểu, cơ quan dân cử cần tăng cường mối liên hệ mật thiết với cử tri, với cơ sở, thực sự là “địa chỉ” tin cậy để cử tri, Nhân dân tin tưởng gửi gắm, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là thông tin về những vụ việc bức xúc ở cơ sở; tăng cường khảo sát, xác minh các vấn đề cử tri phản ánh; là việc nắm rõ và sử dụng hiệu quả quyền được cung cấp thông tin của đại biểu…

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp tục làm rõ nội hàm, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và giám sát hoạt động của HĐND. Nghiên cứu đổi mới việc tổ chức các Hội nghị Thường trực HĐND theo khối tỉnh, thành phố; theo các chuyên đề…

Những yêu cầu, trăn trở trên, cùng với “luồng gió mới” đến từ tinh thần trách nhiệm, nỗ lực đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chắc chắn sẽ là tiền đề, động lực thôi thúc HĐND các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động, như mong muốn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu kết thúc Hội nghị: Năm 2022, Quốc hội và HĐND các cấp sẽ cùng thi đua để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, kỳ vọng và mong muốn của cử tri, Nhân dân cả nước cũng như từng địa phương.

Theo daibieunhandan.vn

Tin cùng chuyên mục