Chúng ta đã trải qua 2 năm chịu tác động nặng nề bởi Covid-19, tuy nhiên công tác phòng, chống dịch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của nhân dân. Để tạo sự chủ động cho công tác phòng, chống dịch, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15, theo đó, Quốc hội đã trao cho Chính phủ thẩm quyền được thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch khác với quy định của pháp luật hay chưa được pháp luật quy định để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 được kịp thời, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống dịch bao gồm bảo đảm nhân lực, thuốc, trang thiết bị; vận động và huy động xã hội. Ngoài số tiền từ ngân sách nhà nước thì những khoản tiền huy động từ xã hội thông qua các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đã thể hiện sự đồng tâm đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch.
Trong khi cả hệ thống chính trị quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, thì nhiều cán bộ, cá nhân cũng đã bị khởi tố do liên quan đến nâng khống giá kit xét nghiệm để trục lợi. Điều này cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát đối với công tác phòng chống dịch, cũng như sử dụng nguồn lực có nơi còn buông lỏng. Điều này đã làm cho cử tri, dư luận băn khoăn về tính minh bạch trong công tác phòng, chống dịch. Để hóa giải được mối băn khoăn lo lắng này, các cơ quan chức năng trong phạm vi thẩm quyền phải vào cuộc để sớm có câu trả lời cho cử tri.
Liên quan đến vấn đề này, tại Phiên họp thứ Ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV, khi cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch Kiểm toán năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lưu ý, về kiểm toán ngân sách trong năm 2021, cần chú trọng thêm việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, mục đích sử dụng và hiệu quả của nguồn lực này như thế nào. Bởi theo Chủ tịch Quốc hội: “Chúng ta là nước nghèo chống dịch phải có hiệu quả nhưng cũng phải chi phí thấp, tiết kiệm chi phí. Vấn đề này có thể còn trường kỳ kháng chiến chứ không phải là ngày một ngày hai, mẫu (xét nghiệm - PV) đơn, mẫu gộp thế nào, test nhanh thế nào, PCR thế nào. Một mẫu PCR cũng mất nhiều tiền lắm, đắt hơn vaccine nhiều. Chúng ta phải tập trung nguồn lực, cả nhân lực, vật lực, tài lực cho công tác phòng, chống dịch là đúng, việc này là đặt nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bắt buộc chúng ta phải sử dụng không có cách nào khác, nhưng sử dụng phải tiết kiệm và phải đúng mục tiêu, kể cả các nguồn xã hội chúng ta huy động, nguồn nhà nước huy động, phải tính toán, xác định đó là một trong những mục tiêu của kiểm toán trong năm nay” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đây là lý do, trong năm 2022, Kiểm toán nhà nước đã quyết định kiểm toán chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ. Kiểm toán nhằm đánh giá tính khả thi, kịp thời trong việc ban hành và tuân thủ các văn bản về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Ngoài ra, qua hoạt động kiểm toán phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện để kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, đề xuất giải pháp khắc phục và xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ có hiệu quả hay không? Đây là điều cử tri, dư luận mong sớm nhận được câu trả lời từ kết quả của kiểm toán lần này. Bởi, điều các tổ chức, cá nhân mong muốn là những đồng tiền mình ủng hộ, đóng góp phải được sử dụng một cách hiệu quả, đúng mục đích.