Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự Hội nghị sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW

Sáng nay 9-5, tại tỉnh Lào Cai, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự Hội nghị sơ kết Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Hội nghị do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy Lào Cai phối hợp tổ chức. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW chủ trì hội nghị. Đại biểu tỉnh Tuyên Quang còn có các đồng chí: Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.


Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị.

Hội nghị đã đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 13 và các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời trao đổi những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới. Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và người dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được nâng lên. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt; đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Ngành lâm nghiệp đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế phát triển, có hướng đi rõ ràng và dần trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương theo hướng bền vững. Hiệu quả và thu nhập từ kinh tế rừng ngày càng được khẳng định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân miền núi.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu thảo luận đã báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW trên địa bàn các tỉnh trong khu vực, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời phát huy vai trò của rừng là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng tới các nội dung: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường tín chỉ các bon; kinh tế dưới tán rừng, dịch vụ môi trường rừng, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, du lịch sinh thái…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trong 5 năm qua, các địa phương trong khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là Chỉ thị số 13-CT/TW và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ngành lâm nghiệp đã có bước phát triển khá nhanh, từng bước khẳng định được vị thế, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, góp phần nâng cao đời sống người dân. Diện tích rừng trồng tăng nhanh; diện tích rừng tự nhiên, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học được bảo vệ, độ che phủ rừng tăng so với trước khi có Chỉ thị 13.

Các địa phương trong vùng đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Công tác phối hợp liên ngành được triển khai thực hiện hiệu quả hơn. Các nguồn lực xã hội đầu tư cho lâm nghiệp, nhất là xã hội hóa nghề rừng được tăng cường, ngày càng thực chất hơn. Các vụ việc vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được xử lý kịp thời, nghiêm túc, góp phần từng bước hạn chế vi phạm pháp luật. Lợi ích kinh tế từ rừng ngày càng được khẳng định rõ nét hơn. Bộ mặt nông thôn, miền núi, khu vực có rừng có nhiều đổi thay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh.


Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Trần Tuấn Anh đồng tình với các kiến nghị, đề xuất của các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung: Phải tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh.

Cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển kinh tế rừng như: đổi mới chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh phát triển chế biến, thương mại gỗ và lâm sản; phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp; phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng; khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ các bon ở Việt Nam; bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, đặc biệt là các diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, bảo đảm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 theo cam kết quốc tế tại COP26 về biến đổi khí hậu. Các địa phương cũng cần đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đảm bảo về an sinh, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng...

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục