Vững bước trên đường phát triển

Trải qua 188 năm xây dựng và phát triển, hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, không ngừng vươn lên, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Tự hào truyền thống lịch sử

Ngày 4-11-1831, là ngày đầu tiên diễn ra sự kiện vua Minh Mệnh chia định ra tỉnh Tuyên Quang, đây là mốc thời gian đầu tiên đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của tỉnh. Trải qua 188 năm hình thành và phát triển, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết đấu tranh chống thiên tai, địch họa, xây dựng cuộc sống. Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Mảnh đất Tuyên Quang được biết đến là địa danh lịch sử gắn với những sự kiện trọng đại của đất nước. Trong cách mạng tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang là Thủ đô Khu giải phóng, trung tâm lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ đã ở và làm việc, lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.  


Du khách thăm di tích đình Tân Trào, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Tuyên Quang tiếp tục được chọn làm Thủ đô Kháng chiến, được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đóng trụ sở để lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn. Tuyên Quang còn là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của đất nước trong lịch sử dân tộc như: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc tức Chính phủ lâm thời; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng - Đại hội đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi; Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt; Đại hội Liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia... Những địa danh như Bình Ca, Km 7, Khe Lau, Cầu Cả, Tân Trào, Kim Bình… đã mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, ghi dấu những đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong các giai đoạn lịch sử của đất nước. 

Khát vọng đổi mới 

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, thực hiện khát vọng đổi mới không ngừng. Với tiềm năng, lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa. Trong đó, tỉnh đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tập trung phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực như chè, mía, cam, gỗ nguyên liệu, trâu, cá đặc sản… Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản  tăng bình quân 4,06%/năm. Tỉnh đã chủ động, sáng tạo trong thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Xây dựng thương hiệu gỗ rừng trồng bằng việc cấp chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, đến nay đã được  25 nghìn ha. Tỷ lệ che phủ rừng trên 65%, là một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước.


Sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.

Cùng với đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất và dân sinh luôn được chú trọng. Chương trình kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân theo phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng và trở thành phong trào sâu rộng ở khắp nơi trong tỉnh. Thông qua đó, huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, hoàn thành kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh hiện có 30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 23,26%, dự kiến hết năm 2019 có thêm 6 xã đạt chuẩn, vượt mục tiêu của khu vực miền núi phía Bắc. Bình quân toàn tỉnh đạt 13,4 tiêu chí/xã, tăng 3,4 tiêu chí/xã so với năm 2015.

Du lịch và dịch vụ đang có những bước phát triển và dần trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tỉnh đã quy hoạch các khu, điểm du lịch gắn với phát triển, khai thác các loại hình du lịch lịch sử, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2019, toàn tỉnh đã thu hút 1,73 triệu lượt khách du lịch, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu xã hội về du lịch đạt trên 1,5 nghìn tỷ đồng.

Công tác cải cách hành chính của tỉnh đã ngày càng đi vào nền nếp, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Năm 2018, chỉ số cải các hành chính của tỉnh xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố; chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh xếp 34/63 tỉnh, thành phố. Tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp trong thực hiện cải cách hành chính để kiến tạo một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 263 dự án với tổng số vốn trên 37.048 tỷ đồng. Trong đó, có một số tập đoàn, công ty lớn, như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn DABACO, Công ty cổ phần Woodsland… đã khẳng định kết quả cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư của tỉnh thực sự đem lại sự tin tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trên địa bàn hiện có 8 dự án đầu tư của 6 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia … được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã và đang triển khai hoạt động với tổng vốn đăng ký 184,4 triệu USD.


Một góc thành phố Tuyên Quang.

Giáo dục và đào tạo phát triển khá toàn diện. Hệ thống trường lớp ngày càng hoàn thiện, chất lượng đội ngũ giáo viên, học sinh được nâng cao. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước có sự thay đổi cơ bản. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả quan trọng, đời sống nhân dân được cải thiện, không còn hộ đói. Tỷ lệ hộ nghèo, từ 23,3% năm 2016 giảm xuống còn 15,4% năm 2018. Công tác giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, trật tự, an toàn xã hội được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được phát huy. Cấp ủy viên, cán bộ, công chức được phân công tham gia dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở, tạo mối liên hệ mật thiết với nhân dân và từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Việc học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, 7, 8 (khóa XII) gắn với điều kiện thực tế của địa phương được thực hiện nghiêm túc.

Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy một số cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị được thực hiện theo lộ trình. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước có nhiều chuyển biến, bảo đảm linh hoạt, chủ động thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả hơn, tập trung giải quyết những vấn đề được nhân dân quan tâm, những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Qua đó, nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên trong rèn luyện, tu dưỡng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Phát huy những thành tích đạt được, Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là triển khai thực hiện 3 khâu đột phá, 4 nhiệm vụ trọng tâm, 15 chỉ tiêu chủ yếu và 10 nhóm giải pháp lớn để đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục