Tổng Thanh tra Chính phủ làm việc với tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang

Sáng 20-10, đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ đã có buổi làm việc trực tuyến với 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang về kết quả sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.


Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đã báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, kết quả sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trong 10 tháng năm 2023.

Đối với tỉnh Tuyên Quang, đến quý III/2023, kinh tế đạt mức tăng trưởng 7,06%, đứng thứ 2/14 tỉnh trung du miềm núi phía Bắc. Trong 10 tháng, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 17.419 tỷ đồng, đạt 84,1% kế hoạch, tăng 18,4% so với cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng nông thôn mới có nhiều kết quả tích cực.

Toàn tỉnh trồng được 11.570 ha rừng, đạt 114,6% kế hoạch. Trong 10 tháng năm 2023, tỉnh đã thu hút được gần 2,3 triệu lượt khách du lịch đạt 91,4% kế hoạch năm, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 129,9 triệu USD, bằng 86,6% kế hoạch, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 2.036,8 tỷ đồng bằng 63,6% dự toán, bằng 96,5% so với cùng kỳ.

Về giải ngân vốn đầu tư công, tổng kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2023 của tỉnh Tuyên Quang trên 6.900 tỷ đồng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Tuyên Quang đến ngày 18/10/2023 đạt 36,09% kế hoạch.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tỉnh phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2023 để đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có 27 gói thầu, đến nay đã thực hiện xong 17 gói thầu, còn lại 10 gói thầu đã phát hành hồ sơ mời thầu, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng xong trong tháng 10/2023. Dự kiến trong tháng 10/2023 tỉnh tổ chức lễ khởi công xây dựng.


Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Tỉnh Tuyên Quang kiến nghị Chính phủ giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho 2 dự án của tỉnh gồm: Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tuyến đường từ thị trấn Sơn Dương đi xã Tân Trào. Giao bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương năm 2023, gồm: Dự án Chương trình phát triển khu vực nông thôn tỉnh Tuyên Quang; dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), tỉnh Tuyên Quang.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn lực đầu tư xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; phê duyệt chấp thuận Dự án Khu công nghiệp Nhữ Khê - Đội Cấn tại xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn và phường Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; nguồn vốn phát triển xây dựng nhà ở xã hội và một số nội dung khác.

Tại hội nghị các đại biểu đã trao đổi làm rõ những nguyên nhân và bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Các ý kiến tập trung vào những nội dung việc triển khai các chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.


Các đại biểu dự hội nghị

Thay mặt Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ đã chia sẻ với những khó khăn, thách thức, diễn biến khó lường, nhất là biến động về giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào; áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao; công tác tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều vướng mắc. 

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị UBND các tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn theo đúng tinh thần, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cả trong đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách, nhằm thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, nhất là các dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các tỉnh cần có giải pháp đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia; thực hiện tốt công tác sắp xếp, luân chuyển cán bộ sợ sai, né tránh trách nhiệm nhằm đáp ứng yêu cầu yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của 2 tỉnh sẽ được tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay sau hội nghị.

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục