Các đại biểu dự họp.
Dự họp có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan; lãnh đạo các huyện, thành phố.
Cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 các đại biểu cho rằng, kế hoạch đã thể hiện chi tiết, cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án. Để đạt được mục tiêu giảm hộ nghèo từ trên 50 nghìn hộ năm 2022 xuống còn 22 nghìn hộ nghèo vào năm 2025 cần sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát các mục tiêu, nguyên nhân nghèo để có các giải pháp phù hợp, giúp người dân thoát nghèo. Việc lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Đề án cần khoa học, thống nhất một cơ quan chủ trì cho từng dự án thành phần. Cùng với đó, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện công tác giảm nghèo; xây dựng những mô hình điểm xã, phường, khu dân cư không còn hộ nghèo.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn thiện kế hoạch. Trong đó, cần làm rõ nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. Đồng chí lưu ý cần chú trọng công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người nghèo; tạo sự đồng thuận, khuyến khích các hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, loại bỏ những hủ tục để tiết kiệm vốn đầu tư vào sản xuất.
Cho ý kiến về văn kiện và công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Cựu chiến binh tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027, Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Hội CCB tỉnh quan tâm đến công tác chuẩn bị, rà soát kỹ các khâu, các bước, công việc cụ thể. Đối với văn kiện đại hội, Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh cần rà soát kỹ các chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2017 - 2022; phương hướng của nhiệm kỳ 2022 - 2027 cần bám sát định hướng của Trung ương Hội CCB Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy. Bên cạnh đó, rà soát, đảm bảo nhân sự thực hiện đúng quy định của Đảng, Trung ương Hội. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đại hội bằng hình thức trực quan kết hợp tuyên truyền trên không gian mạng. Đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua, các hoạt động sâu rộng để chào mừng đại hội Hội CCB các cấp, nhất là đại hội cấp tỉnh. Cùng với đó xây dựng phương án công tác hậu cần cụ thể, đảm bảo chu đáo, tiết kiệm, hiệu quả.
Về việc thành lập trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở - Trung học phổ thông huyện Lâm Bình, Thường trực Tỉnh ủy nhất trí với chủ trương của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh. Tuy nhiên, cần quan tâm đến biên chế đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học để phát huy hiệu quả mô hình đào tạo nội trú, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của huyện vùng cao Lâm Bình.
Cho ý kiến về Đề án xây dựng trường Chính trị chuẩn giai đoạn 2022 - 2030 và Đề án đưa cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên trường Chính trị tỉnh đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là giải pháp hàng đầu trong chiến lược cán bộ. Vì vậy mục tiêu mà đề án cần hướng tới là đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện trong thực tiễn công tác để trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn mức 1 vào năm 2025 và trở thành Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn có chất lượng của tỉnh.
Cuộc họp cũng cho ý kiến về chủ trương một số dự án đầu tư và một số nội dung quan trọng khác.