Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí: Đại tá Phạm Kim Đĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Nguyễn Mạnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Công an, 5 năm qua (từ 2017 đến 2021) toàn quốc đã xảy ra trên 17.000 vụ cháy và trên 2.700 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy, hậu quả làm chết hơn 400 người, bị thương 790 người. Tài sản thiệt hại ước tính trên 7.000 tỷ đồng và trên 7.500 ha rừng. Trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.100 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 500 tỷ đồng và 39 ha rừng và trên 2.300 sự cố nhỏ liên đến quan cháy. Nguyên nhân các vụ cháy do sự cố chập điện, do bất cẩn sử dụng nguồn nhiệt, nguồn lửa là chủ yếu. Lực lượng chức năng đã kiểm tra điều kiện an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ với gần 2,7 triệu lượt cơ sở, phát hiện trên 1,1 triệu vi phạm tồn tại, thiếu sót; xử phạt trên 49.000 trường hợp với tổng tiền phạt 520 tỷ đồng; tạm đình chỉ và đình chỉ gần 2.400 lượt cơ sở…
Từ năm 2018 đến 2022, tỉnh Tuyên Quang đã xảy ra 33 vụ cháy, làm 2 người chết, thiệt hại ước tính gần 25 tỷ đồng. Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đã tiếp nhận 30 vụ tin báo sự cố, tai nạn liên quan đến đuối nước, tai nạn giao thông… Qua đánh giá chung về cơ bản tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh được kiềm chế cả về số vụ và thiệt hại.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt các lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong các vụ cháy, nổ, đặc biệt là vụ cháy quán karaoke An Phú ở tỉnh Bình Dương ngày 6-9 vừa qua. Đồng chí nhấn mạnh, hậu quả vụ cháy thương tâm trên tiếp tục là lời chuông cảnh báo, là bài học đắt giá đòi hỏi cần có hành động quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, Bộ Công an chỉ đạo làm tốt công tác điều tra, xử lý nghiêm minh các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan tạo sức răn đe, tạo chuyển biến rõ rệt đối với về công tác PCCC. Qua thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có Nghị định 83/2017/NĐ-CP đã có sự chuyển biến, kết quả tích cực đối với về công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục như: Nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ, chủ cơ sở, của người dân về PCCC còn hạn chế; bất cấp trong quy hoạch hạ tầng, vị trí bố trí nguồn nước phục vụ chữa cháy…
Thực tiễn cho thấy, xã hội càng phát triển, công tác PCCC và cứu, cứu hộ càng phải được coi trọng, đây là nhiệm vụ thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ giữ vai trò nòng cốt. Ngành Công an tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương triển khai những giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót nhằm mục tiêu là ngăn chặn, đẩy lùi những vụ cháy nghiêm trọng do nguyên nhân xuất phát từ chủ quan; nâng cao ý thức, kỹ năng cho người dân về phòng chống cháy, nổ... Trong đó, đề cao vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị quan tâm, chú trọng hơn nữa đến công tác này; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quyết liệt xử lý triệt để, giảm thiểu nguy cơ dẫn tới cháy, nổ. Từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.