Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Sáng 14-10, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới”.


Dự hội nghị có đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV của tỉnh; Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đình Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 của tỉnh; thường trực các huyện ủy, thành ủy; hạt trưởng các hạt kiểm lâm, lãnh đạo công an các huyện, thành phố.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự hội nghị.

Năm 2016, tổng diện tích có rừng cả nước là 14,3 triệu ha. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, việc thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên đã có tác động tích cực tăng giá nguyên liệu gỗ rừng trồng, người trồng rừng có thu nhập tăng, kích thích sử dụng đất trống, đồi trọc để trồng rừng, góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng, tạo động lực cho đầu tư, phát triển rừng trồng để thay thế gỗ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, tình hình vi phạm đối với rừng tự nhiên còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên và một số địa phương khu vực miền Trung...Trong 9 tháng năm 2017, cả nước phát hiện 1.697 vụ phá rừng, giảm 7%; thiệt hại 910 ha, giảm (30%) so với cùng kỳ năm 2016.

Những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả cơ chế chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, tháo gỡ kịp thời khó khăn để phát triển rừng bền vững. Bình quân hàng năm trồng trên 12 nghìn ha, khai thác trên 700 nghìn m3 gỗ rừng trồng. Công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao, độ che phủ rừng luôn ổn định trên 64,7%. Từ năm 2014 đến nay, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 2.916 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản (2.867 vụ vi phạm hành chính, 49 vụ vi phạm hình sự)...Thời gian tới, tỉnh tập trung quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng hợp lý đất lâm nghiệp, bảo vệ tốt rừng tự nhiên hiện có, hình thành vùng sản xuất kinh doanh tập trung gắn với công nghiệp chế biến lâm sản, nâng cao năng suất, chất lượng, thu nhập trên đất sản xuất lâm nghiệp; đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng; nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng.

Thảo luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã nêu những hạn chế, yếu kém và khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời đề ra các biện pháp có tính khả thi, thiết thực như xã hội hóa nghề rừng, giải quyết việc làm, tạo sinh kế, cải thiện đời sống người dân sống trong rừng, gần rừng…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chủ trương đóng cử rừng tự nhiên. Kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích đất rừng, không chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên nghèo và rừng ven biển, phòng hộ sang rừng sản xuất; thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại, tiếp tay cho các hoạt động phá rừng. Nhấn mạnh việc bảo vệ rừng chủ yếu là các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật; công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát. Các địa phương tiếp tục giải quyết tình trạng di dân tự do, không để người dân phá rừng lấy đất sản xuất; rà soát, hoàn thành việc giao đất, giao rừng vào năm 2020.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục