Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang. |
Qua 15 năm thực hiện (2002-2017), Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng nguồn vốn đến ngày 30-9-2017 đạt trên 179 nghìn tỷ đồng, tăng trên 172 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 25 lần so với khi thành lập. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao, hiện tín dụng chính sách đã triển khai thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt trên 169 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.
Tại Tuyên Quang, đến 30-6-2017, tổng dư nợ 15 chương trình tín dụng chính sách đạt 2.242 tỷ đồng, tăng 2.124,7 tỷ đồng (tăng gấp hơn 19 lần) so với cuối năm 2002; doanh số cho vay đạt 5.094,6 tỷ đồng, với 346.842 lượt khách hàng được vay vốn. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2002-2017 là 22,3%/năm; doanh số thu nợ đạt 2.989,3 tỷ đồng, chiếm 58,67% doanh số cho vay.
Sau Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, 63 tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ đến cấp cơ sở. Các tỉnh, thành phố đã quan tâm hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác, cân đối nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn. Từ khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, nguồn vốn ủy thác địa phương tăng thêm 4.593 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 8.485 tỷ đồng.
Tại hội nghị, tham luận của đại biểu các bộ, ngành, các địa phương cũng đã chỉ ra một số hạn chế và giải pháp khắc phục các tồn tại như: Nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách; một số chương trình có thời hạn cho vay dài nhưng chưa cân đối được nguồn lực thực hiện tương ứng; chất lượng tín dụng chưa đồng đều; công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm giữa các tổ chức nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách chưa gắn kết...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã thực hiện trong 15 năm qua, đóng góp vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo của cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Các bộ, ngành địa phương chủ động thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ngân hàng Chính sách xã hội kịp thời xem xét, giải quyết các kiến nghị một cách chủ động; các bộ, ngành nghiên cứu các giải pháp tăng cường nguồn lực, thực hiện có hiệu quả, bố trí đủ nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; cấp ủy chính quyền các địa phương nhận thức sâu sắc hơn vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt vai trò ủy thác, đảm bảo nguồn vốn tín dụng đến với đúng đối tượng, được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả; chú trọng hỗ trợ người dân khởi nghiệp, nhất là phụ nữ, thanh niên, hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo việc làm cho người dân; chú trọng, củng cố, nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng, tăng cường kiểm tra các hoạt động cho vay, thu nợ, hạn chế rủi ro, nợ xấu...
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam. 20 tập thể, 9 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, trong đó tỉnh ta có UBND huyện Sơn Dương vinh dự được tặng Bằng khen trong công tác chỉ đạo, triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Tại điểm cầu Tuyên Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Kim Dung đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng UBND huyện Sơn Dương; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân trao bảng vinh danh của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tặng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Kim Dung, là 1 trong 15 cá nhân ngoài ngành có đóng góp trong 15 năm hoạt động ngân hàng chính sách xã hội.