Vốn rừng hiện có là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến gỗ, phát triển du lịch sinh thái, ngành nghề thủ công mỹ nghệ..., đó là yếu tố nền tảng để Tuyên Quang phát triển bền vững kinh tế rừng gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian qua, tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh, hiện nay có 08 nhà máy chế biến lâm sản đã và đang đầu tư, mở rộng, nâng cao công suất chế biến, dự kiến đến năm 2020, nhu cầu nguyên liệu gỗ cho chế biến khoảng trên 2.300.000 m3/năm.
Với lợi thế tiềm năng về phát triển kinh tế lâm nghiệp của địa phương, tỉnh đã tập trung chỉ đạo chuyển mạnh từ sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ chế biến cho các nhà máy; tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng cung cấp nguyên liệu cho 05 nhà máy chế biến lớn trong tỉnh với diện tích trên 200 nghìn ha (Nhà máy bột Giấy và giấy An Hoà; Nhà máy chế biến gỗ Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang; Nhà máy sản xuất đũa Phúc Lâm, huyện Chiêm Hóa; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy Na Hang; Nhà máy chế biến gỗ Công ty cổ phần gỗ Đông Dương) và có kế hoạch đẩy mạnh thâm canh vùng sản xuất gỗ nguyên liệu giấy 163.000 ha; vùng sản xuất gỗ lớn 69.000 ha; vùng sản xuất gỗ nhỏ 38.000 ha.
Trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao giá trị rừng trồng phục vụ nguyên liệu cho chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Tuyên Quang là một trong những tỉnh đi đầu cả nước với diện tích trên 18.000ha đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC); gỗ được cấp chứng chỉ có giá bán cao hơn gỗ không có chứng chỉ từ 10 đến 15% (tăng thêm 10 đến 15 triệu đồng/ha). Nâng cao năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng được tỉnh quan tâm thông qua HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao (cây keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô và cây keo tai tượng bằng hạt giống nhập ngoại), giai đoạn 2018 - 2021, dự kiến trồng trên 26.500 ha. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp lại các Công ty TNHH lâm nghiệp một thành viên của tỉnh (01 công ty cổ phần và 04 Công ty TNHH 02 thành viên trở lên) với mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty Lâm nghiệp.
Tuy nhiên, với những cố gắng của tỉnh, doanh nghiệp và người dân, song hiện nay năng suất rừng trồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp (khoảng 80m3/ha/chu kỳ 7 năm, trong khi trồng bằng giống chất lượng cao cho năng suất 120 m3/ha/chu kỳ); giá trị gỗ nguyên liệu chưa cao do rừng chưa được cấp chứng chỉ FSC (mới cấp được gần 20.000 ha, chiếm 11% diện tích rừng trồng); việc cung ứng cây giống chất lượng cao chưa chủ động và chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trồng rừng (hiện nay, tỉnh mới đầu tư được một cơ sở sản xuất cây giống chất lượng cao bằng phương pháp nuôi cấy mô, sản xuất được 1,5 triệu cây keo lai mô/năm, trong khi đó nhu cầu cây giống hàng năm trồng rừng trên địa bàn tỉnh trên 15 triệu cây giống); diện tích rừng lớn là tiềm năng để phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng nhưng chưa được đầu tư.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là: Cây giống chất lượng cao đưa vào trồng rừng còn chiếm tỷ lệ thấp, chưa có cơ sở đủ năng lực cung ứng giống chất lượng cao cho người trồng rừng; người dân và doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư cho việc thuê tư vấn nước ngoài tổ chức thẩm định cấp chứng chỉ FSC; chưa có nguồn cung ứng giống cây dược liệu, việc xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng còn ít.
Để đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn và mục tiêu“Xây dựng trung tâm chế biến gỗ lớn tại Tuyên Quang gắn với phát triển vùng nguyên liệu bền vững” được xác định trong Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang; phấn đấu tỉnh Tuyên Quang “là hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước” theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ dự buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang tại Thông báo kết luận số 150/TB-VPCP ngày 21/3/2017 của Văn phòng Chính phủ; góp phần đưa ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế theo Thông báo số 325/TB-VPCP ngày 29/8/2018 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị "Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu", trong thời gian tới, Tuyên Quang cần tập trung phát triển nâng cao năng suất, giá trị gỗ rừng trồng qua việc nghiên cứu các giải pháp cụ thể sau:
- Quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, duy trì độ che phủ rừng đạt trên 60%.
- Nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng, nâng cao giá trị thu nhập rừng trồng; phấn đấu đưa giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng bình quân 4-5%/năm.
- Nâng cao diện tích rừng trồng được trồng bằng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; nâng cao diện tích rừng trồng toàn tỉnh được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC.
- Cần có chính sách hỗ trợ thực hiện các dự án, chương trình nhằm nâng cao giá trị gỗ rừng trồng: Hỗ trợ cây giống cho trồng rừng sản xuất gỗ nguyên liệu; hỗ trợ cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC); hỗ trợ giống cây dược liệu để trồng dưới tán rừng...