Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng đại diện các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh trong tỉnh.
Các đại biểu dự buổi lễ. Ảnh: Thành Công
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã trình bày diễn văn ôn lại kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh, tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Do đó, ngày 28-9-1982, theo nguyện vọng của ngành giáo dục, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định lấy ngày 20-11 hàng năm là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Quyết định đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và nhà nước đối với những người làm nghề dạy học. Từ đó đến nay, ngày 20-11 hàng năm đã trở thành ngày hội lớn của các nhà giáo, là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn đối với những người thầy đã dạy dỗ mình…
Trải qua các thời kỳ, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang với biết bao thế hệ giáo viên luôn nhiệt huyết, luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Ý thức được sứ mệnh cao cả của nghề giáo, những người đang công tác trong ngành giáo dục luôn phấn đấu, nỗ lực để đưa ngành giáo dục tỉnh nhà ngày càng phát triển, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống cơ sở giáo dục được mở rộng từ mầm non đến đại học; năm 1995 Tuyên Quang vinh dự là tỉnh miền núi đầu tiên và là tỉnh thứ 9 của cả nước được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ; năm 2001, tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở; năm 2003 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Ảnh: Thành Công
Năm 2013, Tuyên Quang là tỉnh thứ 8 trong cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Gần đây, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục Tuyên Quang đứng ở tốp khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Tỉnh đã duy trì vững chắc và từng bước nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục các cấp học, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được nâng lên. Đến nay, Tuyên Quang là một trong những tỉnh có tỷ lệ huy động trẻ cao nhất cả nước, tỷ lệ tốt nghiệp THPT những năm gần đây đều đạt trên 98%, đặc biệt năm 2022 điểm trung bình Kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2021, điểm thi khối B cao nhất cả nước…
Tại lễ kỷ niệm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tặng hoa chúc mừng ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, ghi nhận công lao các nhà giáo có nhiều đóng góp qua các thời kỳ được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành trong tỉnh ghi nhận. Nhân dịp này, có 43 nhà giáo tiêu biểu đạt thành tích xuất sắc được tôn vinh và nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thành Công
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm ghi nhận và biểu dương những thành tích mà toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà đạt được trong thời gian qua. Đồng thời nhiệt liệt biểu dương các nhà giáo tiêu biểu được vinh danh, khen thưởng trong đợt này. Đồng chí khẳng định, trong thời gian qua, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng từ sự quan tâm của tỉnh, của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đặc biệt là sự tận tụy, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” của các thầy cô giáo đã từng ngày từng giờ bám trường, bám lớp, không quản ngại khó khăn, gian khổ để mang ánh sáng tri thức đến con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Cùng với các giải pháp phát triển toàn diện, hiệu quả, chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh không ngừng được nâng lên, những kết quả, thành tích đạt được của ngành giáo dục đã góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Để sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển hơn nữa, đồng chí cũng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để ngành Giáo dục và đào tạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. Trong đó, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên bởi ‘‘có cán bộ quản lý tâm huyết, có giáo viên giỏi, yêu nghề, thì ắt sẽ có học sinh giỏi". Đồng thời, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy trong công tác dạy học “lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực”, từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh; chú trọng cả "dạy chữ" và "dạy người"; thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn; khắc phục triệt để bệnh thành tích, đảm bảo học thật, thi thật, chất lượng thật. Cùng với đó quan tâm đến công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; tiếp tục sắp xếp, phát triển, hoàn thiện mạng lưới trường, lớp học; phát triển mạnh hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...
Lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng các thầy, cô giáo tiêu biểu. Ảnh: Thành Công
Lãnh đạo tỉnh tặng Bằng khen cho các thầy, cô giáo tiêu biểu. Ảnh: Thành Công
Lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng các thầy, cô giáo tiêu biểu. Ảnh: Thành Công
Tại buổi lễ, đại diện các thế hệ nhà giáo, học sinh đã phát biểu bày tỏ tự hào về truyền thống 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng thời thể hiện sự quyết tâm giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang của nghề dạy học, nguyện đoàn kết, vượt qua mọi thử thách, không ngừng đổi mới sáng tạo, phát huy truyền thống, bồi đắp tình yêu, nhiệt huyết với nghề, xây dựng sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà ngày càng phát triển hơn nữa.