Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên - Bài 2: Nhận diện điểm “nghẽn”

Nhiệm kỳ này, mặc dù công tác cán bộ được tỉnh quan tâm, nhưng vẫn còn những “điểm nghẽn”, cần những giải pháp đột phá để tháo gỡ.

>> Bài 1: Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

>> Bài cuối: Bài học kinh nghiệm

Còn hạn chế

Đồng chí Vũ Mạnh Cường, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Sơn cho biết: Trong những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn huyện đã quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ. Chất lượng đội ngũ cán bộ của huyện được nâng lên, có phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm; trình độ, kiến thức và năng lực công tác cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, chiều sâu công tác cán bộ vẫn bộc lộ nhiều hạn chế: tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong một số cơ quan, đơn vị chưa nhiều; số cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ các chức vụ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý chưa cao (cán bộ trẻ chiếm 6,64%, cán bộ nữ 22,66%, cán bộ là người dân tộc thiểu số 33,59%). Tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy huyện còn thấp, chiếm 13,88%.  Hiện nay, đã có quy định, hướng dẫn về từng khâu của công tác cán bộ nhưng việc tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý từ đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số có nơi vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa thực sự tin tưởng, mạnh dạn bố trí, giao việc và tạo môi trường, điều kiện để thử thách, rèn luyện đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.

 

Tại Đề án số 03 và Đề án số 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”; “Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2023 - 2030”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã chỉ rõ, bên cạnh những ưu điểm, công tác cán bộ trong tỉnh vẫn còn một số hạn chế, cần phải khắc phục. Chất lượng và cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, chưa ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có lúc, có nơi chưa thực sự gắn với quy hoạch và nhu cầu cán bộ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Bên cạnh đó, vẫn còn có cán bộ, công chức cấp xã trình độ năng lực hạn chế, phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật chưa tốt. Cùng với đó, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số chưa nhiều. Số cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ chức vụ diện Ban Thường vụ tỉnh quản lý chưa cao; tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy tỉnh còn thấp...

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, đó là: sự quan tâm của một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy của một số địa phương, cơ quan, đơn vị trong xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số còn hạn chế; nhận thức của một số cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ chưa đầy đủ, thiếu tính chủ động trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện...

Đột phá trong công tác cán bộ

Từ thực tiễn công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Trong đó có các Đề án: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số giai đoạn 2023 - 2030 và Luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh giai đoạn 2023 - 2025...  Đây là giải pháp quan trọng nhằm đổi mới toàn diện, đồng bộ, liên thông các khâu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Các cấp ủy, tập trung nâng cao nhận thức, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được đặt lên hàng đầu.100% cấp ủy cơ sở đã triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được thực hiện gắn với quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, đảng viên. Cấp ủy các cấp quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên với nhiều hình thức phù hợp. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Hằng năm, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy thực hiện tốt công tác rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý đảm bảo theo quy định; xây dựng quy hoạch có cơ cấu hợp lý về ngành nghề, lĩnh vực, chuyên môn đào tạo và vị trí việc làm; chú trọng quy hoạch nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số vào các cơ quan, đơn vị đảm bảo đạt tỷ lệ theo quy định.

Từ năm 2020 đến 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Dương đã thực hiện quy hoạch 4.980 lượt cán bộ của 15 chức danh cấp huyện và 15.722 lượt quy hoạch chức danh cấp xã, thị trấn của 11 chức danh.

Đồng chí Đỗ Xuân Phúc, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Sơn Dương cho biết: Thực hiện Đề án số 15-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2023 - 2030, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Dương đã xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ trong toàn Đảng bộ. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã tập trung thực hiện tốt công tác đào tạo, rà soát nhân sự, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quy hoạch cán bộ cẩn trọng kỹ lưỡng đảm bảo yếu tố tỷ lệ cán bộ trẻ đúng theo quy định.

 Tại Hàm Yên, huyện tiến hành khảo sát, đánh giá kỹ nguồn cán bộ trong quy hoạch các cấp làm căn cứ xây dựng quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu, tỷ lệ trên các ngành nghề, lĩnh vực, vị trí, chức danh quy hoạch. Cán bộ được quy hoạch phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị tương ứng với chức danh bổ nhiệm. Đối với quy hoạch cấp phó các phòng ban chuyên môn nếu chưa đảm bảo tiêu chuẩn về lý luận chính trị sau khi đưa vào quy hoạch, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện tiêu chuẩn lý luận theo quy định. 

Thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục