Hội nghị triển khai công tác Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Ngày 12 tháng 01 năm 2024 Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị triển khai công tác Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang năm 2024.

Dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị có đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Tham dự hội nghị còn có đồng chí Ngô Hồng Phúc, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh; đồng chí Tăng Thị Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo một số vụ của Tòa án nhân dân tối cao; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và lãnh đạo tòa án nhân dân hai cấp.


Các đại biểu dự hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh: Nhìn lại năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song với tinh thần đoàn kết, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, cùng với sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn của cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tỉnh ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật là: Trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 7,46%, xếp thứ 2/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, xếp thứ 01/11 tỉnh miền núi phía Bắc, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuyên Quang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để triển khai thực hiện, tạo cơ sở quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Khánh thành đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, dự án cao tốc đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và nhiều dự án giao thông khác, dự án hoàn thành, là dấu mốc quan trọng tạo thời cơ mới, khí thế mới và xung lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuyến cao tốc đã mở ra không gian phát triển mới, giúp mở rộng liên kết vùng, tăng tính cạnh tranh về phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng; tháo gỡ được điểm nghẽn về giao thông đối ngoại của tỉnh, giúp giảm tải cho tuyến Quốc lộ 2 và rút ngắn thời gian di chuyển từ Tuyên Quang về Thủ đô Hà Nội và tăng cường kết nối giữa các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh cả trước mắt và lâu dài. Khởi công dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang và nhiều dự án hạ tầng y tế, giáo dục. Tỉnh tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa lớn để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Công tác giáo dục và đào tạo đạt nhiều thành tích nổi bật; lần đầu tiên tỉnh có học sinh tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế. Hoạt động đối ngoại, hợp tác thu hút đầu tư được thúc đẩy và đạt được kết quả tích cực. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ. Công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội có nhiều đổi mới.


Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho 1 cá nhân.

Đạt được kết quả trên là do sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang. Qua nắm bắt tình hình hoạt động và tại Hội nghị được nghe phóng sự 10 sự kiện tiêu biểu của Tòa án nhân dân năm 2023 và các sự kiện tiêu biểu của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024; các báo cáo, tham luận tại Hội nghị, tôi đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng xét xử và những kết quả đạt được của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang đạt được trong năm 2023, nổi bật là:

Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án. Trong bối cảnh số lượng các vụ án Tòa án phải thụ lý tăng năm sau cao hơn năm trước (năm 2023 thụ lý 4.740 vụ, tăng 1.172 vụ so với năm 2022) và không tăng về biên chế song tỷ lệ giải quyết đạt 97,5% , cao hơn năm 2022 là 1,5%, trong đó án hình sự đã giải quyết 765 vụ với 1.164 bị cáo; đạt tỷ lệ 99,7% về số vụ và 98,8% về số bị cáo (vượt 9,7% so với chỉ tiêu đề ra); so với năm 2022, thụ lý giảm 32 vụ 27 bị cáo; giải quyết, xét xử giảm 31 vụ 313 bị cáo góp phần giữ vững tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nhất là tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho 1 cá nhân.

Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang đã xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được Nhân dân đồng tình, tin tưởng, đánh giá cao, góp phần hiệu quả thực hiện các giải pháp đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chủ trương của Đảng, chỉ đạo của cấp ủy tỉnh về phòng, chống, tham nhũng tiêu cực. Năm 2023, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh đã xét xử 59 vụ với 112 bị cáo (so với năm 2022, thụ lý tăng 06 vụ với 39 bị cáo, xét xử tăng 06 vụ với 31 bị cáo), chủ yếu về các tội: Tham ô tài sản, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, tội Tàng trữ vận chuyển hàng cấm, Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự...Quá trình xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được bảo đảm theo hướng thực chất, hiệu quả. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Hầu hết các trường hợp áp dụng án treo được cân nhắc kỹ lưỡng; được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm đúng pháp luật, phát huy ý nghĩa nhân văn, tạo điều kiện cho người bị kết án được tự cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát, giáo dục của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền; kịp thời đưa ra các kiến nghị nâng cao công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa và phát hiện, xử lý vi phạm, tội phạm.


Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trao tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2023.

Tỷ lệ giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mai, lao động đạt cao, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định. Về án hành chính: Đã thụ lý 68 vụ; đã giải quyết, xét xử được 65 vụ; đạt tỷ lệ 95,6%, (vượt 28,1% so với chỉ tiêu). So với năm 2022, thụ lý tăng 10 vụ; đã giải quyết, xét xử tăng 11 vụ. Về án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mai, lao động: Đã thụ lý 3.316 vụ việc; đã giải quyết, xét xử 3.201 vụ việc; đạt tỷ lệ 96,5%, (vượt 11,5% so với chỉ tiêu). So với năm 2022, số thụ lý tăng 735 vụ; giải quyết, xét xử tăng 754 vụ.

Thứ tư, Thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ theo quy định của Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao đề ra trong đó trọng tâm là tổ chức phiên tòa trực tuyến và cải cách hành chính. Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 15/11/2021 của Quốc hội, Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh đã tổ chức 135 phiên tòa xét xử trực tuyến (cấp tỉnh 25 vụ, cấp huyện 110 vụ), trong đó có 01 phiên tòa kết nối liên tỉnh từ Phòng xét xử Tòa án nhân dân cấp huyện đến điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đồng Nai. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật; giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí và thời gian đến phiên tòa. Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác thực hiện thí điểm dịch vụ công trực tuyến về thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án. Tính từ ngày 18/8/2023 đến 30/9/2023, đã có 118 giao dịch nộp tiền tạm ứng án phí theo hình thức trực tuyến thành công với tổng số tiền là 54.111.600 đồng. Đây là bước tiến mới trong việc tận dụng công nghệ thông tin, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống tư pháp và đẩy mạnh tiến trình đơn giản hóa thủ tục tố tụng theo hướng lấy người dân làm trung tâm để phục vụ, phát triển.

Thứ năm, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động Tòa án. Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh đã thực hiện tốt và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhân dân. Đặc biệt, Tòa án nhân dân tỉnh đã tiến hành công khai 3.349 bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân. Đây là một cơ chế hữu hiệu để người dân kiểm tra, giám sát hoạt động của Tòa án; đồng thời đặt ra yêu cầu đối với mỗi Thẩm phán phải nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, kỹ năng xây dựng bản án, không chỉ về căn cứ, lập luận chặt chẽ, mà cả về văn phong, từ ngữ chính xác.

Thứ sáu, tích cực triển khai, quán triệt, thực hiện hiệu quả Hướng dẫn số 02-HD/BDVTU ngày 10/9/2021 của Ban Dân vận Tỉnh ủy về việc vận động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tham gia các hoạt động với nhân dân tại cơ sở. Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang, góp phần chia sẻ những khó khăn của Nhân dân tại cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn có những hạn chế, thiếu sót đã được nêu trong báo cáo, các tham luận trình tại hội nghị. Đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang quan tâm thực hiện một số nội dung sau:

 Thứ nhất, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các Nghị quyết, Quy định, Chỉ thị của Đảng, của Quốc hội và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17. Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh cần bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Tòa án nhân dân Tối cao và các nhiệm vụ chính trị của địa phương để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu với cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác nội chính, tư pháp trên địa bàn tỉnh; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm pháp chế, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử. Đây là trách nhiệm chính trị của Tòa án nhân dân, của Thẩm phán trước Đảng, trước Nhân dân. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án là phải tập trung nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bảo đảm thấu tình, đạt lý, nhân văn, thuyết phục. Uy tín của Tòa án là uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ, là niềm tin của người dân đối công lý, công bằng xã hội. Mỗi bản án được tuyên phải thực sự làm cho mọi người "tâm phục, khẩu phục", khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, xã hội đồng tình; có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương”, 

Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, nhất là vụ, việc về kinh doanh thương mại, lao động, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Tiếp tục làm tốt công tác hoà giải trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự và tăng cường đối thoại trong việc giải quyết các vụ án hành chính, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều hành chính quyền các cấp. Chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án góp phần xây dựng hệ thống Tòa án điện tử thông minh, bảo đảm công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy theo yêu cầu cải cách tư pháp, quan tâm công tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Có thể khẳng định, chất lượng của nền tư pháp là do cán bộ tư pháp quyết định. Mỗi Thẩm phán phải lấy chuẩn mực trong Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán để phấn đấu, giữ gìn và rèn luyện, bởi lẽ, mỗi quyết định của thẩm phán đều ảnh hưởng đến sinh mạng con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do vậy Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh cần ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ thẩm phán phải thực sự “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, có đạo đức trong sáng, thanh liêm, chính trực, giàu lòng nhân ái, có phương pháp khoa học, sâu sát, thận trọng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật.

Thùy Linh
Ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục