Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu chỉ đạo tạo cuộc họp. |
Dự họp có các đồng chí: Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Hoàng Việt Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các huyện, thành phố và đơn vị tư vấn.
Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại cuộc họp tình hình triển khai thực hiện lập Quy hoạch hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 12-3-2020, nhiệm vụ lập Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 373/QĐ-TTg, thời gian thực hiện là 24 tháng. Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị tư vấn hoàn thành các nội dung khảo sát, điều tra, thu thập các số liệu, tài liệu, xây dựng các phương án đề xuất tích hợp vào quy hoạch tỉnh gồm 33 nội dung đề xuất, trong đó 26 quy hoạch ngành, lĩnh vực và 7 quy hoạch lãnh thổ.
Đơn vi tư vấn cũng đã trình bày tóm tắt dự thảo Quy hoạch. Theo phương án được đề xuất, dự thảo Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở đề xuất 2 phương án tăng trưởng. Phương án 1, phương án đặt mục tiêu phấn đấu cao, có nhiều tác động đột phá cho phát triển. Phương án 2, phương án cao, hội tụ nhiều thuận lợi từ bên trong và bên ngoài tỉnh. Các phương án đề xuất mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh ưu tiên phát triển 3 trụ cột kinh tế; phát triển 4 trung tâm đô thị; 1 trung tâm động lực tăng trưởng; 3 nền tảng tăng trưởng chính; 3 trục động lực kinh tế; 3 khâu đột phá; 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Thảo luận của các đại biểu tại cuộc họp đã tập trung cho ý kiến vào các vấn đề cơ bản, cốt lõi trong công tác quy hoạch tỉnh, giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn để hoàn thiện quy hoạch.
Với quan điểm quy hoạch của tỉnh phải đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đảm bảo thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang nhanh, bền vững, toàn diện trên cơ sở tập trung nguồn lực để phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh tốt, đó là 3 trụ cột tăng trưởng: công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông lâm nghiệp chất lượng cao.
Sự phát triển của các trụ cột tăng trưởng sẽ tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế đột phá và theo chiều sâu, tạo sự phát triển lan tỏa các ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như khoa học, công nghệ, thương mại, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội...
Các đại biểu cũng đề cập, thảo luận, cho ý kiến đóng góp vào mục tiêu phát triển, kịch bản phát triển của tỉnh theo từng giai đoạn, một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển trung tâm đô thị, hệ thống hạ tầng kết nối giao thông, khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch, các giải pháp về phát huy giá trị sức mạnh văn hóa, con người, phát triển nguồn nhân lực, tài nguyên và môi trường... Đồng thời, phân tích một số điểm nghẽn, giải pháp tháo gỡ trong triển khai thực hiện công tác lập quy hoạch tỉnh Tuyên Quang để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đơn vị tư vấn trình bày dự thảo báo cáo Quy hoạch tại cuộc họp. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh tập trung vào các nội dung liên quan đến các căn cứ, xác định rõ quan điểm, mục tiêu để đạt được sự thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị của tỉnh.
Đối với định hướng phát triển, tỉnh cần chú ý cân nhắc trong phát triển hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh để làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh tham khảo thêm quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của Bộ Giao thông - Vận tải và tính kết nối với các tỉnh. Tỉnh lựa chọn 3 trụ cột kinh tế thì cần tập trung ưu tiên những bước đi đột phá, sáng tạo và phát triển nhanh, bền vững.
Đối với phát triển các trung tâm đô thị để có sự phát triển thực sự thì phải có sự phát triển đi trước từ công nghiệp, thương mại dịch vụ, quy mô dân số…
Phát biểu chỉ đạo và kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của tỉnh, là 1 trong 12 chương trình, đề án chính của tỉnh trong 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2050, là tiền đề quan trọng để tỉnh phát huy được những tiềm năng, lợi thế góp phần đưa Tuyên Quang thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Tỉnh rất kỳ vọng bản quy hoạch có đầy đủ những động lực đảm bảo tính khoa học, để thúc đẩy Tuyên Quang phát triển trong 5 năm tới và những giai đoạn tiếp theo. Đồng chí đề nghị, ngay sau cuộc họp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tư vấn tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố bổ sung, hoàn thiện các nội dung theo văn bản đã tham gia và các ý kiến thảo luận tại cuộc họp. Đồng thời cần cập nhật, xác định các thông tin mới rà soát để bổ sung hoàn thiện vào quy hoạch.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cần xây dựng kế hoạch chi tiết hơn, tham mưu với UBND tỉnh giao cho các ngành, địa phương chủ động làm việc với đơn vị tư vấn để hoàn thiện từng nội dung trong quy hoạch trình Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng thẩm định trong thời gian sớm nhất.
Đối với quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, công nghệ thông tin đảm bảo tính kết nối vùng, tỉnh trong khu vực; trong phát triển du lịch tỉnh chú ý “trải thảm” thu hút đầu tư các dự án lớn. Nội dung phân bổ không gian, nguồn lực là vấn đề cốt lõi của quy hoạch thì các ngành cần phối hợp với đơn vị tư vấn bổ sung vào quy hoạch đảm bảo chặt chẽ, mang tính thống nhất cao…