Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua 02 luật, cụ thể:
- Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với kết quả cụ thể như sau:
+ Về Điều 88 - Quy định về Doanh nghiệp nhà nước: có 460 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,24%); trong đó, có 439 đại biểu tán thành (bằng 90,89%); có 16 đại biểu không tán thành (bằng 3,31%); có 05 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,04%).
+ Về Điều 115 - Quy định về Quyền của cổ đông phổ thông: có 456 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,41%); trong đó, có 445 đại biểu tán thành (bằng 92,13%); có 05 đại biểu không tán thành (bằng 1,04%); có 06 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,24%).
+ Về Điều 128 - Quy định về Chào bán trái phiếu riêng lẻ: có 456 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,41%); trong đó, có 433 đại biểu tán thành (bằng 89,65%); có 18 đại biểu không tán thành (bằng 3,73%); có 05 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,04%).
+ Về toàn văn dự thảo Luật: có 457 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,62%); trong đó, có 438 đại biểu tán thành (bằng 90,68%); có 11 đại biểu không tán thành (bằng 2,28%); có 08 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,66%).
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều với kết quả cụ thể như sau:
+ Về khoản 6 Điều 1 - Quy định về Ngân sách Nhà nước cho phòng, chống thiên tai: có 456 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,41%); trong đó, có 450 đại biểu tán thành (bằng 93,17%); có 04 đại biểu không tán thành (bằng 0,83%); có 02 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,41%).
+ Về khoản 4 Điều 2, sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 28 - Quy định về xây dựng cầu qua sông có đê: có 452 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,58%); trong đó, có 447 đại biểu tán thành (bằng 92,55%); có 02 đại biểu không tán thành (bằng 0,41%); có 03 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,62%).
+ Về toàn văn dự thảo Luật: có 452 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,58%); trong đó, có 446 đại biểu tán thành (bằng 92,34%); có 02 đại biểu không tán thành (bằng 0,41%); có 04 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,83%).
Sau đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.
Tại phiên thảo luận đã có 10 đại biểu phát biểu ý kiến. Các đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về các vấn đề: phạm vi điều chỉnh của Luật; khái niệm “Thỏa thuận quốc tế”; việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đối với bên ký kết Việt Nam; việc ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ; ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan cấp tỉnh; nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế; chấm dứt hiệu lực và tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc ký kết thỏa thuận quốc tế...
Sau thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, tại phiên họp, Quốc hội đã thảo luận sôi nổi và trách nhiệm về nhiều nội dung của dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế. Cụ thể:
Về sự cần thiết ban hành Luật, đa số ý kiến các đại biểu đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về việc nâng Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế lên thành Luật Thỏa thuận quốc tế. Đây cũng là dịp để Quốc hội tiếp tục khẳng định những thành công trong công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong thời gian qua, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình khu vực và thế giới.
Về phạm vi điều chỉnh, các đại biểu cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và thống nhất không quy định tại luật này các nội dung: việc ký kết và thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức; vốn vay ưu đãi và các nhà tài trợ nước ngoài; viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về hợp đồng theo Bộ luật Dân sự; hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư; đồng thời đề nghị những nội dung trên sẽ được quy định ở các văn bản pháp luật khác phù hợp hơn.
Về chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết việc mở rộng các chủ thể có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế là cần thiết; đồng thời đề nghị cần quy định rõ các hình thức văn bản ký kết và nội dung thỏa thuận quốc tế ở từng cấp cho phù hợp với tính chất, thẩm quyền và khả năng chịu trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan được quy định trong luật.
Về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục để đáp ứng tốt yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế; thủ tục rút gọn cần được quy định cụ thể cho từng trường hợp để đáp ứng yêu cầu chính trị hoặc đối ngoại đột xuất nhằm đảm bảo tính khả thi của việc ký kết.
Về ngôn ngữ trong văn bản ký kết, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ thỏa thuận quốc tế phải được ký kết bằng tiếng Việt và tiếng Anh hoặc tiếng quốc gia đối tác, là văn bản chính thức có giá trị như nhau.
Các ý kiến thảo luận của đại biểu sẽ được UBTVQH chỉ đạo Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Cơ quan trình dự án và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật để UBTVQH báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường.
Dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua 02 luật, cụ thể:
- Luật Đầu tư (sửa đổi) với kết quả cụ thể như sau:
+ Về Điều 6 - Quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh: có 456 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,41%); trong đó, có 436 đại biểu tán thành (bằng 90,27%); có 13 đại biểu không tán thành (bằng 2,69%); có 07 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,45%).
+ Về Điều 7 - Quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: có 456 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,41%); trong đó, có 445 đại biểu tán thành (bằng 92,13%); có 05 đại biểu không tán thành (bằng 1,04%); có 06 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,24%).
+ Về Điều 20 - Quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt: có 458 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,82%); trong đó, có 448 đại biểu tán thành (bằng 92,75 %); có 06 đại biểu không tán thành (bằng 1,24%); có 04 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,83%).
+ Về khoản 4, Điều 75 - Quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế: có 453 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,79%); trong đó, có 444 đại biểu tán thành (bằng 91,93%); có 04 đại biểu không tán thành (bằng 0,83%); có 05 đại biểu không biểu quyết (bằng1,04%).
+ Về toàn văn dự thảo Luật: có 458 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,82%); trong đó, có 446 đại biểu tán thành (bằng 92,34%); có 08 đại biểu không tán thành (bằng 1,66%); có 04 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,83%).
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng với kết quả cụ thể như sau:
+ Về khoản 3, Điều 1 - Quy định về loại, cấp công trình xây dựng: có 460 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,24%); trong đó, có 449 đại biểu tán thành (bằng 92,96 %); có 06 đại biểu không tán thành (bằng 1,24%); có 05 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,04%).
+ Về khoản 58, Điều 1 - Quy định về quản lý năng lực hoạt động xây dựng: có 454 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94%); trong đó, có 444 đại biểu tán thành (bằng 91,93%); có 05 đại biểu không tán thành (bằng 1,04%); có 05 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,04.%).
+ Về toàn văn dự thảo Luật: có 462 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,65%); trong đó, có 449 đại biểu tán thành (bằng 92,96%); có 08 đại biểu không tán thành (bằng 1,66%); có 05 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,04%).
Tiếp đó, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 17 đại biểu phát biểu, 01 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung sau: về tên gọi của Luật; về phạm vi điều chỉnh; về chính sách của Nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; về cấp giấy phép hoạt động dịch vụ và thời hạn giấy phép hoạt động dịch vụ; về quyền và nghĩa vụ của người lao động và doanh nghiệp dịch vụ; về cơ chế bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; về quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; về trách nhiệm của nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước, người lao động và doanh nghiệp dịch vụ; về đào tạo, bổ túc nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động…
Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã báo cáo, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, đây là dự án Luật được thảo luận lần đầu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến thảo luận của các ĐBQH, hoàn thiện dự thảo Luật để UBTVQH trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10.
Thứ Năm, ngày 18.6.2020,
Buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).