Phiên họp thảo luận về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh

Theo nội dung chương trình kỳ họp thứ sáu đã được các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, sáng ngày 06/7/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khoá XIX thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác quản lý tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 tháng cuối năm 2023.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì điều hành phiên thảo luận; cùng tham gia chủ toạ kỳ họp có các đồng chí: Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thành Công.

Dự phiên thảo luận có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND; lãnh đạo UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX; lãnh đạo các Ban đảng Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng HĐND tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố; Thường trực HĐND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp qua Đài Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang online, kênh Youtube và Fanpage Báo Tuyên Quang, Trang thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.


Chủ tọa điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Thành Công.

Phát biểu định hướng thảo luận, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Qua các báo cáo của UBND tỉnh trình tại kỳ họp, mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng UBND tỉnh đã chủ động, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ ngay từ đầu năm, nhiều vấn đề khó, vướng mắc đã được UBND tỉnh chủ động bàn bạc, giải quyết kịp thời: Tổ chức các Hội nghị chuyên đề về công tác thu ngân sách; tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; bố trí nguồn lực và giải ngân vốn đầu tư công và chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý đất đai; tổ chức đối thoại với nông dân, đoàn thanh niên; tích cực kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút đầu tư… Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, công tác quản lý tài chính – ngân sách còn một số vấn đề cần quan tâm, nghiên cứu thảo luận để đạt kết quả cao hơn. Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ nguyên nhân các hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế như: Một số sản phẩm công nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra; chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2022 bị giảm thứ bậc; công tác quản lý đất đai, đo đạc địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều khó khăn; vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; tỷ lệ tảo hôn, trẻ vị thành niên mang thai và sinh con có chiều hướng gia tăng; thực trạng quản lý gia đình và trẻ em; tỷ lệ trẻ em tiêm chủng mở rộng không đạt kế hoạch đề ra, đạt tỷ lệ thấp; tiến độ giải quyết các vụ án hành chính dân sự còn chậm; một số tội phạm về ma túy, chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi tăng so với cùng kỳ…

Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm với 26 đại biểu đăng ký thảo luận về 40 nội dung, trong đó có 17 lượt đại biểu phát biểu thảo luận trực tiếp tại Hội trường với 30 nội dung, vấn đề quan trọng. Các ý kiến thảo luận thể hiện sự đồng tình với báo cáo của UBND tỉnh đánh giá cao kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm về phát triển kinh tế - xã hội đồng thời phân tích hạn chế và đề xuất biện pháp khắc phục hạn chế, khó khăn trên từng lĩnh vực.

Đã có 10 vị đại biểu HĐND tỉnh thảo luận trực tiếp tại Hội trường về nhóm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế, đầu tư, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, đất đai, tài nguyên, môi trường, khoa học - công nghệ, xây dựng nông thôn mới.


Đại biểu Trần Giang Nam phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thành Công.

Đại biểu Trần Giang Nam, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết vướng mắc, khó khăn trong thực hiện một số chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa chưa đạt kế hoạch và giảm so với cùng kỳ; đại biểu Lý Đỗ Thành Quang, Tổ đại biểu thành phố Tuyên Quang đề xuất một số giải pháp đảm bảo thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; đại biểu Trần Văn Tú thảo luận về một số chỉ tiêu kinh tế xã hội; tiến độ thực hiện và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công; triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện di dân ra khỏi vùng nguy hiểm; đại biểu Sầm Văn Dinh thảo luận về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và những vướng mắc trong thực hiện Hướng dẫn liên ngành số 2299/HD-SNN-STC ngày 22/11/2022 về quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với UBND cấp xã…


Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời ý kiến của đại biểu. Ảnh: Thanh Phúc.

Vấn đề môi trường và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được đại biểu HĐND tỉnh và đông đảo cử tri quan tâm, đã có 03 đại biểu HĐND tỉnh thảo luận về bố trí kinh phí thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa; thu gom, xử lý rác thải nhiều nơi chưa đúng quy định, tình trạng phát sinh chất thải rắn gia tăng tại khu vực đô thị và nông thôn; đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 29/9/2022 của UBND tỉnh quy định giá dịch vụ và hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt…


Đại biểu Nguyễn Thị Thu Chang, tổ đại biểu Na Hang - Lâm Bình phát biểu ý kiến. Ảnh: Thanh Phúc

Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, đã có 05 đại biểu HĐND tỉnh phát biểu thảo luận về các vấn đề: Phát triển du lịch; tình trạng tảo hôn; tình trạng ly hôn; thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt thấp; bố trí nhân viên y tế trong các trường học; về thực hiện sáp nhập thành lập trường liên cấp. Đại biểu Lý Thu Hương, Tổ đại biểu huyện Yên Sơn thảo luận về kết quả đạt được và những hạn chế trong phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đồng thời, đề xuất 07 giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện trong thời gian tới; đồng thời, đại biểu đề nghị UBND tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND tỉnh đảm bảo chất lượng, hiệu quả, rõ trách nhiệm và kịp thời cập nhật kết quả giải quyết của các đơn vị, địa phương…

Đại biểu Phùng Tiến Quân, Tổ đại biểu huyện Yên Sơn bày tỏ sự quan tâm đối với tình trạng tảo hôn trong những năm qua có chiều hướng gia tăng; qua giám sát và báo cáo của các sở, ngành trong 6 tháng đầu năm 2023, có 76 cặp vợ chồng tảo hôn (tăng 46 cặp vợ chồng so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 59 cặp là người đồng bào thiểu số, 17 cặp dân tộc kinh; 285 trẻ vị thành niên mang thai (tăng 166 trẻ so với cùng kỳ năm 2022); đại biểu phân tích các nguyên nhân và đề nghị xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật hiện hành đối với hành vi tảo hôn.

Đại biểu Đàm Thanh Hương, Tổ đại biểu huyện Na Hang - Lâm Bình cho biết: Qua nắm bắt dư luận của cử tri cũng như tâm tư nguyện vọng của cán bộ giáo viên thị trấn Na Hang trong việc thực hiện Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 31/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang theo lộ trình huyện Na Hang sẽ phải thực hiện sáp nhập trường THCS thị trấn Na Hang và trường THPT Na Hang thành trường THCS và THPT Na Hang, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh không thực hiện hợp nhất Trường THCS thị trấn Na Hang và Trường THPT Na Hang thành trường THCS và THPT Na Hang do hiện nay trường THCS thị trấn Na Hang đang trong lộ trình xây dựng thành trường trọng điểm giáo dục mũi nhọn của huyện.

Đại biểu Vũ Thị Giang, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương tham gia ý kiến 04 nội dung, đại biểu quan tâm về tình trạng ly hôn trên địa bàn tỉnh ngày một gia tăng trong những năm gần đây và những ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển nhân cách của trẻ, dẫn đến tình trạng tội phạm tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng. Đồng thời, đại biểu cũng đã thảo luận về tình trạng người dân chưa tham gia BHYT và những khó khăn trong việc vận động người cận nghèo tham gia BHYT; khó khăn trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; đại biểu cũng quan tâm về việc thiếu một số loại vắc xin phục vụ cho tiêm chủng mở rộng; một số chỉ tiêu tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ còn thấp, giảm so với cùng kỳ năm 2022 và đề xuất, hiến kế những giải pháp cụ thể để triển khai tốt các nhiệm vụ về y tế, gia đình và trẻ em trong thời gian tới.

Đại biểu Chẩu Văn Huấn, Tổ đại biểu huyện Na Hang - Lâm Bình quan tâm đến vấn đề nhân viên y tế trong các trường PTDTBT liên cấp Tiểu học và THCS, hiện nay hầu hết các trường PTDTBT liên cấp Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Lâm Bình, Na Hang đều không có nhân viên y tế, các trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Đại biểu mong muốn cấp có thẩm quyền xem xét, có giải pháp để tháo gỡ, giải quyết thực trạng nêu trên.


Toàn cảnh phiên thảo luận kỳ họp thứ sáu. Ảnh Đức Mạnh.

Về lĩnh vực tư pháp, nội vụ, quốc phòng an ninh, đã có 03 đại biểu HĐND tỉnh thảo luận với các nội dung về: Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo trong sáu tháng đầu năm 2023; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố và sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Phùng Tiến Quân, Tổ đại biểu huyện Yên Sơn thảo luận về kết quả thực hiện công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023. Đại biểu Mai Quang Thắng, Tổ đại biểu huyện Hàm Yên, đại biểu Ma Thu Loan, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương quan tâm về tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại đặc biệt lớn về tài sản; xác định nguyên nhân và đề xuất thực hiện một số giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, bảo vệ tài sản cho nhân dân trong thời gian tới.

Để cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố và sở, ban, ngành, góp phần cải thiện thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong những năm tới, đại biểu Mai Quang Thắng đề nghị các địa phương, sở, ban, ngành cũng cần quan tâm tới chỉ số về chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính; cải thiện các chỉ số thành phần cốt lõi; cấp ủy, chính quyền một số địa phương cần có chính sách cởi mở để tạo điều kiện hỗ trợ, bảo vệ cho doanh nghiệp tại địa phương; rà soát, đánh giá, khắc phục các chỉ số thành phần Năng lực cạnh tranh đạt thấp liên quan đến công tác lãnh đạo, điều hành để có các giải pháp khắc phục… Đại biểu cũng nêu thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh, thiếu niên và đề xuất một số giải pháp cần tăng cường, kịp thời triển khai đối với các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể nhằm bảo vệ người dân trước tác hại của thuốc lá.

Dưới sự điều hành của chủ toạ kỳ họp, đại diện lãnh đạo các sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh đã phát biểu trao đổi, làm rõ một số nội dung các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm trong quá trình thảo luận như: Hoạt động của Quỹ phát triển đất của tỉnh; thu phí bảo vệ môi trường; thu phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định tại Quyết định số 31/2022/QĐ-UBND ngày 29/9/2022 của UBND tỉnh; cơ chế chính sách miễn giảm các loại phí, lệ phí cho người dân khi thực hiện hiến đất để triển khai các chương trình, dự án; kinh phí và triển khai các thủ tục cần thiết để thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn toàn tỉnh; khó khăn trong xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí mới; tiếp cận và thực hiện chính sách của tỉnh về khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; các giải pháp về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp; các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa thời gian tới… tình trạng trẻ vị thành niên sử dụng thuốc lá điện tử và biện pháp phòng ngừa, những cách thức lừa đảo trên không gian mạng và biện pháp phòng chống tội phạm công nghệ cao.


Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận phiên họp. Ảnh: Thanh Phúc.

Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao việc nghiên cứu tài liệu, nắm chắc tình hình thực tế tại cơ sở để phát biểu các nội dung thảo luận tại kỳ họp của đại biểu HĐND tỉnh. Đồng chí đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo một số nội dung cụ thể:

Thứ nhất, tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là quan tâm xem xét các trình tự thủ tục triển khai các dự án đầu tư, nhất là các dự án phát triển sản xuất công nghiệp để sớm triển khai thực hiện, đạt được mục tiêu  tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm và 5 năm. Quan tâm đến các nhiệm vụ về phát triển lâm nghiệp để cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã định hướng “là tỉnh điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ”.

Thứ hai, cùng với kịp thời thực hiện các văn bản hướng dẫn, quy định sửa đổi, bổ sung của Chính phủ về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố trong việc tổ chức thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ ba, các ngành, các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ và các chỉ tiêu thành phần trong hệ thống các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh và xem xét trong quá trình đánh giá để đồng nhất giữa Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với chỉ số cải cách hành hành chính cấp tỉnh (PARINDEX); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Thứ tư,  về công tác đo đạc bản đồ địa chính và xây dựng cơ dữ liệu đất đai, UBND tỉnh sớm bố trí nguồn lực để thực hiện dự án tại 95 xã, phường chưa được thực hiện; phân kỳ thực hiện theo đơn vị, huyện, thành phố để tổ chức thực hiện hiệu quả. Giao trách nhiệm sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường vào định kỳ xây dựng dự toán hàng năm để được hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án kịp thời. Các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Cần có cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn các huyện, thành phố.

Thứ năm, đối với công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng định mức đơn giá thu gom, xử lý rác thải đối với từng khu vực trên địa bàn; chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn cần quan tâm, đánh giá khách quan, những vấn đề cần có giải pháp kịp thời để giải quyết.

Thứ sáu, đối với một số nhiệm vụ trong lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo, UBND tỉnh chỉ đạo sớm khắc phục ngay tình trạng chậm cung cấp trang thiết bị, sách giáo khoa phục vụ chương trình đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018; quan tâm công tác khảo sát, đánh giá tài liệu giáo dục địa phương để có chỉnh sửa, bổ sung phù hợp. Nhà trường và gia đình có sự phối hợp để hạn chế vi phạm của học sinh tại các cơ sở giáo dục nhất là việc sử dụng thuốc lá điện tử; cấp ủy chính quyền các cấp quan tâm quản lý chặt chẽ các điểm kinh doanh trò chơi điện tử; phòng chống mua bán tài khoản ngân hàng trong học sinh... tạo môi trường sống, học tập lành mạnh cho con em trên địa bàn.

Thứ bảy, chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã sớm khắc phục tình trạng tảo hôn; hôn nhân cận huyết. Chỉ đạo ngành y tế xác định nguyên nhân tỷ lệ tiêm chủng mở rộng, tiêm phòng trên địa bàn tỉnh đạt thấp và có biện pháp bảo đảm kế hoạch tiêm chủng mở rộng.

Thứ tám, chỉ đạo Công an tỉnh có giải pháp hỗ trợ các xã phường thị trấn trong công tác tuyên truyền đến người dân về tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động của các công ty đa cấp. Đồng thời tăng cường các biện pháp đấu tranh với các loại tội phạm để hạn chế thấp nhất các loại tội phạm trên địa bàn, đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Thứ chín, UBND tỉnh quan tâm các kiến nghị của Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh để chỉ đạo khắc phục hạn chế trong công tác đào tạo nghề và thực hiện kế hoạch đầu tư công trên địa bàn tỉnh; giải quyết các vướng mắc, khó khăn trên một số lĩnh vực nêu trong thảo luận các đại biểu đã nêu và có kiến nghị.

Hoàng Loan - Ngọc Duy - Ngọc Trâm

Tin cùng chuyên mục