Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu khách mời tham gia kỳ họp trực tuyến.
Nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, tiến hành thảo luận trực tuyến về các dự án Luật này. Đây cũng là ngày họp trực tuyến cuối cùng tại kỳ họp này. Quốc hội sẽ tổ chức họp tập trung tại Nhà Quốc hội vào ngày 8 - 6 -2020.
Trước đó, ngày 27-5, ĐBQH Hứa Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Dương đã tham gia thảo luận trực tuyến đề xuất một số giải pháp trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo đại biểu, tình hình xâm hại trẻ em như hiện nay, đặc biệt ở khu vực miền núi và nông thôn cho thấy tầm quan trọng và tính cấp bách của vấn đề này. Đại biểu đề xuất: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trên diện rộng. Vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Cần nghiên cứu nên có những quy định bắt buộc như những người sắp làm cha mẹ trước khi kết hôn phải học qua những lớp đào tạo kỹ năng về gia đình, hay có những chính sách khuyến khích để những người làm cha mẹ theo học những lớp học cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, các nguy cơ bị lạm dụng tình dục, xâm hại tình dục theo từng độ tuổi của trẻ.
Cùng với đó, cần phải hoàn thiện thể chế pháp lý đối với công tác phòng chống xâm hại trẻ em. Tăng cường công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội, công tác giám sát của HĐND các cấp, chủ động nắm bắt tình hình về an ninh trật tự tại cơ sở, có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn và quan tâm đến trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư các nguồn lực để thực hiện tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em như xây dựng các thiết chế văn hóa bảo đảm các tiêu chí xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Đồng thời, mong muốn Quốc hội sớm thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 mà Chính phủ đang trình Quốc hội tại kỳ họp này.