Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận. |
Đại biểu đồng tình cao với dự thảo Luật trình Quốc hội lần này, đặc biệt là việc dự thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, với gia đình, xã hội và đối với chính thanh niên. Tham gia vào nội dung cụ thể, đại biểu đề nghị Quốc hội bổ sung khoản 1, điều 10. Theo dự thảo Luật đã quy định về chủ thể và thời gian đối thoại với thanh niên: "Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần về các vấn đề liên quan đến thanh niên. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang có trách nhiệm đối thoại với thanh niên theo yêu cầu của tổ chức thanh niên quy định tại Luật này".
Theo đại biểu, việc quy định đối thoại với thanh niên trong Luật thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo cơ quan, tổ chức doanh nghiệp đối với thanh niên. Qua hoạt động này, thanh niên được nói lên tiếng nói của mình để hiến kế xây dựng đất nước, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp - là hoạt động thiết thực để thực hiện trách nhiệm của thanh niên đối với Nhà nước và xã hội (Điều 13 dự thảo Luật). Đây cũng là diễn đàn để thanh niên bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với các cấp lãnh đạo, là một trong những hình thức giám sát, phản biện xã hội.
Hiện nay có nhiều thanh niên không tham gia một tổ chức thanh niên chính thống nào; các đơn vị lao động, công tác ngoài nhà nước không bắt buộc phải tổ chức thành lập Chi đoàn cho thanh niên tham gia, nhất là các doanh nghiệp, mặc dù có thể doanh nghiệp đó có rất đông thanh niên lao động. Các thanh niên là người lao động trong các doanh nghiệp này không có cơ hội để bày tỏ mong muốn, nguyện vọng của mình vì không có tổ chức thanh niên đứng ra đề nghị người đứng đầu là lãnh đạo doanh nghiệp. Hay với các đơn vị công tác khác như các cơ quan, đơn vị trong nhà nước, người đứng đầu tổ chức thanh niên hầu hết trong độ tuổi đó đều đang là cán bộ, việc bày tỏ mong muốn được đối thoại có được hay không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người đứng đầu đơn vị. Vì vậy, Đại biểu đề nghị bổ sung quy định rõ vào trong Luật đó là "Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang có trách nhiệm đối thoại với thanh niên", việc đối thoại cần được tiến hành định kỳ hằng năm chứ không chỉ khi có đề nghị đối thoại của tổ chức thanh niên.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị sửa đổi điểm d, khoản 2 Điều 23 quy định đối với thanh niên tình nguyện. Trong đó, đại biểu bề nghị ghi rõ "Ban hành các chính sách hỗ trợ Thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện" vào quy định tại khoản này để làm rõ chính sách đối với thanh niên. Cùng với đó, đại biểu mong muốn ban soạn thảo ghi rõ quy định Chính phủ quy định chi tiết điều luật này tại điều 25 về chính sách với thanh niên dân tộc thiểu số, cụ thể hóa chính sách để thanh niên dân tộc thiểu số có cơ hội được thụ hưởng các chính sách hết sức nhân văn này.