Đại biểu Hứa Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu thảo luận tại phiên họp trực tuyến |
Báo cáo kết quả giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” do Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy những năm qua, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Tuy nhiên, vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng. Giai đoạn từ tháng 01/2015 đến tháng 6/2019 cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.
Các nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em được Đoàn giám sát chỉ ra, đó là: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhận thức chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, thậm chí một số nơi còn coi nhẹ công tác này. Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em có những nhiệm vụ còn chưa thực sự hiệu quả; một số cơ quan, địa phương, người có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm; việc xử lý một số vụ việc xâm hại trẻ em còn chậm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương trong phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp còn chưa chặt chẽ, hiệu quả. Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em cả về cán bộ, cơ sở vật chất và kinh phí còn chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế kéo theo một số vấn đề xã hội có liên quan đến trẻ em, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Những tác động xấu của mạng internet, mạng xã hội dẫn đến nhiều nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đặc điểm của các vụ xâm hại trẻ em phần nhiều xảy ra ở những nơi kín đáo, vắng vẻ, không có người chứng kiến, nhiều trẻ em là nạn nhân tuổi còn quá nhỏ, chưa nhận thức được đầy đủ sự việc; còn một số phong tục tập quán lạc hậu, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số chưa được xóa bỏ.
Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã đề nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong Báo cáo của Đoàn giám sát, giảm số vụ xâm hại trẻ em, đồng thời trong năm 2020 cần ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các Bộ ban hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em; Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình, môi trường giáo dục, môi trường mạng; Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em; Quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em; Quy định về điều tra thân thiện đối với trẻ em. Đề nghị Bộ Công an bảo đảm tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đạt trên 90%. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao bảo đảm ra quyết định truy tố đúng thời hạn và truy tố bị can đúng tội danh đạt 100%. Đề nghị Toà án nhân dân tối cao bảo đảm tỷ lệ giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em đạt trên 90%. Đề nghị Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm Luật Trẻ em giao; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Thảo luận tại phiên họp, cùng với việc nhất trí cao với báo cáo kết quả giám sát, các vị đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh, làm rõ thêm hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó cũng như kiến nghị nhiều giải pháp để khắc phục hạn chế, thực hiện hiệu quả việc phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó nhấn mạnh các giải pháp phải được nhìn nhận trên cơ sở tâm tư, nguyện vọng của chính chủ thể cần bảo vệ, đó là trẻ em, phải phù hợp với trẻ em của từng vùng, miền. Tại điểm cầu Tuyên Quang, đại biểu Hứa Thị Hà đã phân tích, chỉ ra ba yếu tố chính là nguyên nhân xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em, đó là môi trường xã hội chưa an toàn, chưa lành mạnh cho trẻ em; cha mẹ, người chăm sóc trẻ em chưa hiểu biết, quan tâm đúng mức và làm tròn trách nhiệm với trẻ em; trẻ em chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng để tự nhận biết, tự bảo vệ trước các nguy cơ bị xâm hại. Đồng thời đại biểu đã đề xuất một số giải pháp trong thực hiện phòng, chống xâm hại trẻ em: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trên diện rộng, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn; vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại tình dục trẻ em; nên có những quy định bắt buộc những người sắp làm cha mẹ trước khi kết hôn phải tham gia những lớp đào tạo kỹ năng về gia đình; hoàn thiện thể chế pháp lý đối với công tác phòng chống xâm hại trẻ em, phù hợp với tình hình thực tiễn, với pháp luật quốc tế và nhất là đủ sức răn đe; tăng cường công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội, giám sát của HĐND các cấp, chủ động nắm bắt tình hình về hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em, có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn và quan tâm đến trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại. Đồng thời đại biểu cùng đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư các nguồn lực để thực hiện tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, nguồn lực thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”.