Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào một số chính sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và Dự án Luật Cư trú

Ngày 9-6, tiếp tục tham gia vào các nội dung kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án Luật Cư trú.

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Tổ trưởng, điều hành phiên thảo luận gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận và Quảng Trị.


Phiên thảo luận tổ ngày 9-6.

Đại biểu Hoàng Bình Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho rằng, nên có cơ chế chính sách đối với Hà Nội nhưng cần chủ động hơn trong việc xây dựng cơ chế chính sách bài bản, dài hạn. Về lâu dài cần xem xét sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô, chú trọng tổ chức thực thi hiệu quả luật bảo đảm yêu cầu xây dựng phát triển Thủ đô. Cho cơ chế đặc thù chính là có nguồn lực thì phải có yêu cầu đối với Hà Nội. Đại biểu nhấn mạnh, có cơ chế chính sách đặc thù phải có mục tiêu phát triển cụ thể, trong khi Hà Nội vẫn tồn tại nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, hạ tầng giao thông, quản lý nguồn nước… Do đó, cần đặt ra yêu cầu, định hướng, chỉ tiêu phát triển đối với Thủ đô Hà Nội.

Tại phiên thảo luận về Dự án Luật Cư trú, các đại biểu đều thống nhất nhận định cần thiết phải ban hành Luật Cư trú, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như quản lý dân cư theo phương thức mới hiện đại, thuận tiện trong giai đoạn hiện nay. Các đại biểu đề nghị cần thận trọng và có quy định cụ thể tới từng trường hợp bổ sung 4 trường hợp xóa đăng ký thường trú, đảm bảo tính khả thi trên thực tế. Bởi việc xóa đăng ký thường trú sẽ ảnh hưởng tới nhiều mặt như các hoạt động dân sự, giao dịch và những quyền lợi hợp pháp của người dân.

Nhất trí với quy định điều kiện đăng ký thường trú của công dân tại thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu cho rằng quy định như dự thảo luật là phù hợp với quyền tự do cư trú của người dân đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp. Tuy nhiên cũng tại điều này, đại biểu đề nghị cần làm rõ những tác động tiêu cực khi bỏ một số điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương về các mặt kinh tế xã hội, giáo dục. Vì vậy, song hành với cải cách hành chính, bãi bỏ một số điều kiện thường trú cần cân nhắc kỹ và có đánh giá tác động đi kèm.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục