Đại biểu Ma Thị Thúy góp ý vào Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Ngày 11-6, tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, đại biểu Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã góp ý vào một số nội dung của dự án luật này.

Đại biểu Ma Thị Thúy tham gia thảo luận tại phiên họp tổ.

Đại biểu cho rằng, thực trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nông thôn đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết. Môi trường nông thôn đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn, từ nguồn nước thải sinh hoạt; việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng. Các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp để xử lý tình trạng này, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Đại biểu dẫn chứng trong thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có nhiều xã đã được công bố về đích nông thôn mới, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nhưng tiêu chí môi trường vẫn chưa thể đạt như kỳ vọng.

Theo đại biểu, dự thảo luật sửa đổi lần này đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường theo hướng đổi mới mạnh mẽ cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý trong hoạt động bảo vệ môi trường. Tham gia góp ý cụ thể, đại biểu cho rằng: Để đảm bảo tính khách quan và toàn diện, cần quy định rõ quyền  tham gia trực tiếp của người dân vào các hoạt động bảo vệ môi trường song hành với cơ chế đại diện của MTTQ Việt Nam. Cụ thể là người dân có thể trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình từ góp ý xây dựng đến giám sát  thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, cần có mục riêng quy định về cơ chế đảm bảo quyền tham gia gia giám sát trực tiếp của người dân đối với việc xây dựng và thực thi pháp luật về môi trường, bao gồm cả yếu tố chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức  thực hiện và chế tài xử lý đối với các chủ thể vi phạm. Nghĩa vụ đảm bảo thực thi của quyền này. Về các biện pháp tài chính đảm bảo để kiểm soát và phòng, chống tác hại của chất thải, dự thảo lần này vẫn chưa có quy định chặt chẽ để kiểm soát đặc thù đối với các đối tượng và các doanh nghiệp có nguy cơ  cao gây ô nhiễm môi trường. Dự thảo mới chỉ dành riêng một mục về quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân. Trong khi đó, các loại chất thải từ hoạt động công nghiệp lại đang gây ra những nguy hại lớn đến sức khỏe con người.

Hơn nữa quy định như dự thảo về chất thải nguy hại cũng chưa thể hiện đúng tinh thần của nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung những quy định về phí bảo vệ môi trường để áp dụng đúng và đủ lên các hoạt động công nghiệp, đặc biệt là các hoạt động có xả các chất và phế thải nguy hại ra môi trường.   

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục