Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ người dân sau thiên tai, dịch bệnh

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng ngày 13-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và một số nội dung liên quan. Đại biểu Ma Thị Thuý đã phát biểu về đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và công tác phòng chống thiên tai, hỗ trợ nhân dân sau thiên tai dịch bệnh.

Đại biểu cho rằng giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức khi đến nay mới chỉ giải ngân được gần 90 nghìn tỷ đồng, bằng 18,98% kế hoạch năm 2020. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện giải ngân chậm tiến độ là do một số vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công.


Đại biểu Ma Thị Thúy thảo luận tại kỳ họp.

Tuy nhiên, với việc quy định các quy trình, thủ tục liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị dẫn tới việc thời gian hoàn thiện các thủ tục theo quy định, cũng như hoàn thiện phương án phân bổ, bố trí vốn cho từng dự án thường phải kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ  thực hiện. Do vậy, các bộ, ngành và địa phương không chủ động được trong điều hành kế hoạch vốn được giao làm giảm tiến độ giải ngân, chậm tiến độ và hiệu quả thực hiện các dự án. Việc giao vốn đầu tư công có năm còn chia làm nhiều đợt, thường được bổ sung vào cuối năm nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư và thực hiện dự án,...

Để đẩy nhanh tiến độ, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện; xem xét, nâng tỷ lệ phân chia cơ cấu phân bổ vốn ngân sách trung ương phần trong nước cho địa phương từ 30% lên 40%; xem xét tính thêm điểm đối với địa phương có tỷ lệ diện tích đất rừng tự nhiên chiếm tỷ trọng cao trên tổng diện tích đất tự nhiên, nhất là diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng làm cơ sở để phân bổ nguồn lực từ ngân sách trung ương.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm kiểm tra, rà soát và giao hết số vốn còn lại cho các tỉnh để kịp thời triển khai các dự án, góp phần phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương; xem xét điều chỉnh tăng mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi; quy định rõ hỗ trợ cây lâm nghiệp dưới 36 tháng tuổi và tăng mức hỗ trợ và xem xét đơn giản trình tự, thủ tục để người dân nhanh chóng kịp thời nhận được hỗ trợ giảm bớt khó khăn... do thiên tai gây ra; nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ người dân bị mất đất sản xuất do thiên tai gây ra không có khả năng phục hồi; quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí cho các tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc để sửa chữa các tuyến đê, kè, công trình thủy lợi xung yếu có nguy cơ sạt lở do ảnh hưởng của thiên tai gây ra. Đồng thời, sớm bố trí nguồn vốn đầu tư các dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do thiên tai gây ra cho người dân.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục