Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV thành công tốt đẹp

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 20/5 đến ngày 19/6/2020. Để bảo đảm công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và có những quyết sách kịp thời giúp Chính phủ khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra, kỳ họp được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung.

Các đại biểu dự Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV

Kỳ họp diễn ra trong 19 ngày, giữa 2 đợt có hơn một tuần để các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo trình Quốc hội thông qua tại đợt 2. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan, tổ chức liên quan, đợt họp trực tuyến đã được tổ chức rất thành công, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trong cách thức tiến hành kỳ họp, được các vị đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác; giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác.

Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua:  Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Thanh niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Các Nghị quyết được Quốc hội thông qua: Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức (ILO); Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến: Dự án Luật Biên phòng Việt Nam; Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Dự án Luật Cư trú (sửa đổi); Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Về hoạt động giám sát: Sau khi xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 và tình hình triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2020, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ, sự đồng lòng, chung sức, thống nhất, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tạo nên sức mạnh to lớn phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả nhưng vẫn duy trì được tăng trưởng và các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, chủ động bám sát tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ, các nhiệm vụ, giải pháp mà Quốc hội đã đề ra trong Nghị quyết số 85/2019/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 để sớm phục hồi kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, đời sống đối với người lao động, đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế và phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Qua Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội đánh giá cao sự tích cực, khẩn trương, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong xem xét, giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri, nhất là trong điều kiện phải đối phó với diễn biến phức tạp của dịch. Nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri đã được tiếp thu, nghiên cứu xử lý và trả lời thấu đáo. Tuy nhiên vẫn còn một số ít văn bản trả lời chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị... Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị cử tri; giải quyết dứt điểm những tồn tại hạn chế đã nêu trong báo cáo; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế tối đa việc chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang nhiệm kỳ sau...Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.

Tại kỳ họp này, Sau khi xem xét các Báo cáo của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo thẩm tra, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về: Phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Cũng tại kỳ họp này, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và phê chuẩn 04 Phó Chủ tịch và 16 Ủy viên của Hội đồng. Quốc hội cũng đã phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải và bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với ông Dương Thanh Bình. Công tác nhân sự được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định, đạt sự đồng thuận cao.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, trong đó đã quyết định kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021; lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên sang năm 2021; bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Đồng thời, giao Chính phủ: Chủ động trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2020 phù hợp với tình hình thực tế./.

Hương Lan

Tin cùng chuyên mục