Nội dung chính của các Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV họp từ ngày 20/5 đến ngày19/6/2020 đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 06 dự án luật khác.

Các luật, nghị quyết đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; củng cố quy định về kỷ cương, kỷ luật hành chính; bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bảo đảm công khai, minh bạch; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Nội dung chính của các luật như sau:

1. Luật Đầu tư, được sửa đổi nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng đầu tư, bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trong hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại doanh nghiệp.

Luật gồm 7 chương, 79 điều với nhiều quy định mới như: phân định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng; bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; quy định có tính nguyên tắc về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; nguyên tắc, điều kiện áp dụng, chính sách ưu đãi đầu tư; ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt; việc chấp thuận chủ trương đầu tư và các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4...Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021, trừ quy định tại khoản 3 Điều 75 có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2020.

2. Luật Doanh nghiệp, được sửa đổi nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp; bảo đảm tương thích với hệ thống pháp luật; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế.

Luật gồm 10 chương, 218 điều với nhiều nội dung mới như: sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước; sửa đổi quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% (Luật Doanh nghiệp năm 2014) xuống 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền tiếp cận thông tin về tình hình hoạt động của công ty và triệu tập họp đại hội đồng cổ đông; bổ sung trường hợp ngoại trừ đối với quy định bổ nhiệm thành viên Hội đồng thành viên không quá 2 nhiệm kỳ; quy định đối tượng tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự; bỏ thủ tục báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp, thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh; quy định chi tiết quyền, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán thuộc Hội đồng quản trị; làm rõ đối tượng được mua và chuyển nhượng trái phiếu…Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

3. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được ban hành nhằm quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư; hoạt động quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Luật gồm 11 chương, 101 điều, quy định về: lĩnh vực đầu tư dự án PPP tập trung vào 5 nhóm quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, hạ tầng công nghệ thông tin; quy mô dự án PPP; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu được áp dụng đối với các dự án PPP; các nội dung Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong đầu tư theo phương thức PPP; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước; quy định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng xây dựng-chuyển giao kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành...Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020.

4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Luật đã sửa đổi, bổ sung 21 Điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, tập trung vào các vấn đề sau: bổ sung tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội; bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương; mở rộng cơ cấu của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội; sửa đổi tên gọi của 2 Ủy ban của Quốc hội; bổ sung trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong việc tham gia thẩm tra và việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết…

Luật quy định Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương; chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội được thành lập theo Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22/12/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 14/10/2018 của Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh được thành lập để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc thành lập Văn phòng ĐBQH và HĐND cấp tỉnh phải hoàn thành trước ngày 01/7/2021.

5. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật  ban hành nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sửa đổi, bổ sung 67 Điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp, trong đó đã bổ sung một số quy định để tiếp tục khẳng định, làm rõ và sâu sắc hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc đưa hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi một số quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương; sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm làm rõ và nâng cao hơn trách nhiệm của các cơ quan trong toàn bộ quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật… Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

6. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được ban hành nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại, góp phần hạn chế các vụ việc Tòa án phải đưa ra xét xử. Luật gồm 04 chương, 42 điều quy định về: nguyên tắc, chính sách của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên khi thực hiện hòa giải, đối thoại, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án…. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

7. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được ban hành nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế. Luật đã bổ sung 01 điều, sửa đổi, bổ sung nội dung 26 điều và chỉnh lý kỹ thuật 03 điều của Luật Giám định tư pháp hiện hành, trong đó, bổ sung quy định về Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện tiêu chuẩn để thực hiện giám định; thời hạn giám định tư pháp; sửa đổi, bổ sung quy định quyền, nghĩa vụ của người trưng cầu giám định tư pháp, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; quyền, nghĩa vụ của giám định viên tư pháp... Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

8. Luật Thanh niên được sửa đổi nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng,  Hiến pháp năm 2013 về thanh niên, trong đó nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới… Luật gồm 07 chương, 41 điều quy định về chính sách của Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình; với những quy định mới như: tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên; thiết lập cơ chế đối thoại giữa người đứng đầu Chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị với thanh niên về các vấn đề liên quan đến thanh niên; quản lý nhà nước về thanh niên; thiết lập, làm rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức thanh niên, cơ sở giáo dục, gia đình đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên… Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

9. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước và công tác ứng phó sự cố thiên tai hiện nay. Trong đó đã bổ sung một số loại hình thiên tai, công trình phòng, chống thiên tai cho phù hợp với thực tế; quy định về việc được phép sử dụng bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng; làm rõ nguồn nhân lực, nguồn ngân sách cho phòng, chống thiên tai; quy định rõ về Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương; bổ sung, mở rộng thẩm quyền vận động quyên góp để hỗ trợ, cứu trợ thiên tai đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; bổ sung quy định về vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng cho phòng, chống thiên tai...Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021.

10. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được ban hành để bảo đảm phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đầu tư xây dựng hiện nay. Luật đã sửa đổi 65 nội dung của Luật Xây dựng năm 2014 và sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14 về hình thức phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Trong đó đã quy định một số chính sách mới sau: phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng địa phương thay cho Bộ Xây dựng; cấp phép các công trình xây dựng cấp đặc biệt đã; quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, những loại công trình xây dựng được miễn giấy phép; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, chủ đầu tư, thúc đẩy các biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, trừ một số trường hợp cụ thể tại khoản 2 Điều 3 của Luật./.

Hương Lan

Tin cùng chuyên mục