Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia kỳ họp tập trung tại Hà Nội. |
Kỳ họp thứ 9 tiến hành theo 2 đợt, đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 20 đến 29/5/2020. Đợt 2, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 8 đến 18/6/2020. Hơn 200 đại biểu ở Trung ương họp tập trung tại Nhà Quốc hội, họp tại phòng họp Diên Hồng và gần 300 đại biểu khác tham gia các phiên họp qua truyền hình trực tuyến tại trụ sở Đoàn ĐBQH từ 63 tỉnh, thành cả nước. Tham dự đầy đủ trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp trực tuyến từ 20 đến 29/5, Đoàn ĐBQH Tuyên Quang đã tham gia tích cực vào các nội dung, chương trình kỳ họp.
Đồng chí Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuẩn bị kỹ các nội dung để tham gia có trách nhiệm vào chương trình nghị sự của kỳ họp. Trước kỳ họp, Đoàn đã lấy ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan vào các dự thảo luật. Đoàn ĐBQH tỉnh đã phân công các ĐBQH trong đoàn nghiên cứu chuyên sâu để có những ý kiến tham gia có chất lượng vào các dự án luật trình kỳ họp Quốc hội. Trong đó có những nội dung nghiên cứu từ thực tiễn phát triển của tỉnh để tham gia ý kiến nhằm hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách pháp luật tạo cơ sở cho phát triển chung của cả nước.
Mặt khác, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng chủ động phân công các ĐBQH tỉnh tích cực nghiên cứu chuẩn bị các ý kiến tham gia với trách nhiệm cao nhất để chuyển tải những ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Tuyên Quang đến Quốc hội. Đặc biệt, với thời gian họp trực tuyến Văn phòng Đoàn ĐBQH đã thực hiện tốt việc phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Viễn thông Tuyên Quang thiết lập chuẩn bị tốt phục vụ các phiên họp trực tuyến. Ngành Viễn thông và ngành Điện lực cũng đã có phương án đảm bảo về đường truyền và điện lưới trong suốt thời gian họp trực tuyến. Qua đó, Không khí thảo luận, đóng góp vẫn được truyền đi với tinh thần không khác gì họp tập trung tại các kỳ họp Quốc hội trước đây.
Kỳ họp lần này, tiếp tục chứng kiến sự tham gia thảo luận sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm của các ĐBQH tỉnh vào các nội dung của kỳ họp, biểu quyết quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia đóng góp trên 20 lượt ý kiến phát biểu về các lĩnh vực như kinh tế - xã hội, thảo luận về các dự án Luật, Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có 6 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường; có 17 lượt ý kiến phát biểu tại tổ.
Các ĐBQH tỉnh đã tích cực thảo luận vào các báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đặc biệt, thảo luận về Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đại biểu Quốc hội tỉnh đã nghiên cứu kỹ nội dung và tham gia thảo luận, trong đó đại biểu có ý kiến bổ sung một số chỉ tiêu tối thiểu cần đạt được về việc giảm tỷ lệ các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; tỷ lệ người dân tộc thiểu số được tham gia bảo hiểm y tế.
Chính phủ giao các bộ, ngành Trung ương rà soát điều chỉnh mục tiêu, phạm vi, nhiệm vụ và nội dung đầu tư của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số cho phù hợp, không trùng lặp với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo. Cùng với đó, xem xét, bổ sung thêm đối tượng “là hộ người Kinh sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn đã thoát nghèo từ 1 - 3 năm nhưng còn nằm trong nhóm có nguy cơ tái nghèo cao” thì được thụ hưởng một số chính sách hỗ trợ nhất định nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại khu vực này.
Theo dõi kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, chị Vàng Thị Hoa, thôn Ngoan B, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) chia sẻ: Chị rất đồng tình, phấn khởi trước những đổi mới của kỳ họp, cùng sự tham gia tích cực của các ĐBQH tỉnh. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được các đại biểu chuyển tải đến Quốc hội.
Bên cạnh tham gia thảo luận vào báo cáo tại kỳ họp, các ĐBQH tỉnh cũng đã cùng Quốc hội xem xét, thông qua 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, góp phần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Quốc hội. Quốc hội cũng lấy ý kiến đại biểu để xem xét, phê chuẩn 3 điều ước quốc tế gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức... Qua đó, góp phần cùng Quốc hội hoàn thành các chương trình nghị sự quan trọng tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.