Sáng ngày 16/8/2022, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ hai. Các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ, cử Quốc ca.
Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh; các vị đại biểu HĐND tỉnh khoá XIX; đại diện lãnh đạo các Ban đảng Tỉnh uỷ, Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội; lãnh đạo các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương; lãnh đạo HĐND, UBND, các Ban của HĐND huyện, thành phố; đại diện Thường trực HĐND một số xã, phường, thị trấn; các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình Trung ương và địa phương.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung và các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành kỳ họp.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Kỳ họp chuyên đề lần này nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng, cấp thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thiết thực góp phần thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội. Các nghị quyết thông qua tại kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, liên quan trực tiếp tới triển khai đầu tư xây dựng các công trình dự án về hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế- xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và các đại biểu dự kỳ họp.
Quá trình xây dựng các dự thảo nghị quyết thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định, được cơ quan chức năng thẩm định, phản biện, các Ban của HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và được UBND tỉnh cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện trên tinh thần đảm bảo đúng quy định, tuân thủ pháp luật, đồng bộ, chặt chẽ trình kỳ họp chuyên đề lần thứ hai HĐND tỉnh.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học, trí tuệ, phát huy dân chủ, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung thảo luận vào các dự thảo nghị quyết và đã được ngành chức năng giải trình làm rõ.
Đối với nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, đại biểu Lý Thu Hương, Tổ đại biểu huyện Yên Sơn đề nghị ngành chức năng làm rõ trong hệ thống hạng mục phụ trợ của dự án có đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước thải y tế nhưng chưa thấy có hệ thống xử lý nước thải cũng như rác thải y tế rắn; vậy việc xử lý các loại thải này được thực hiện như thế nào và kế hoạch đầu tư, cải tạo các hệ thống xử lý hiện có? Về vấn đề này đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình làm rõ: Hệ thống xử lý rác thải y tế rắn của Trung tâm y tế huyện Hàm Yên mới được đầu tư xây dựng và vẫn đang sử dụng bình thường, do đó vẫn được giữ nguyên.
Đại biểu HĐND tỉnh Lý Thu Hương phát biểu thảo luận nghị quyết.
Đối với nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình, dự án thực hiện thu hồi đất năm 2022 theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đại biểu Đàm Thanh Hương, Tổ đại biểu huyện Na Hang - Lâm Bình đề nghị UBND tỉnh, ngành chuyên môn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước, trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với các công trình, dự án trong danh mục đầu tư công do UBND các huyện, thành phố làm chủ đầu tư có liên quan đến đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng phòng hộ phải trình HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng trước khi thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn năm 2022 theo kế hoạch được giao. Nội dung này đã được Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời: Hiện nay ngành chức năng đang cùng với chủ đầu tư, UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ tham mưu cho UBND tỉnh để sớm triển khai thực hiện.
Với tỷ lệ đại biểu nhất trí, tán thành cao, trong thời gian 1/2 ngày, kỳ họp đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra, thông qua 07 dự thảo nghị quyết, cụ thể:
(1) Nghị quyết thông qua dự kiến Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, tỉnh Tuyên Quang: Tổng vốn đầu tư năm 2023 là 5.973.300 triệu đồng, tăng 34,2% so với tổng vốn đầu tư năm 2022, trong đó: Vốn ngân sách địa phương 1.187.000 triệu đồng; vốn ngân sách Trung ương 4.786.300 triệu đồng. Việc bố trí vốn đầu tư theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên tiếp tục đầu tư các công trình thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các dự án kết nối liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững; bê tông hoá đường giao thông nông thôn, xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, kiên cố hoá kênh mương, xây dựng trụ sở làm việc Đảng uỷ, HĐND và UBND cấp xã…
(2) Nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường kết nối liên vùng Tuyên Quang - Hà Giang với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Các nội dung điều chỉnh gồm: tên dự án thành: Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - Đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; mục tiêu đầu tư dự án; phạm vi đầu tư; quy mô đầu tư; tổng mức đầu tư là 6.800.000 triệu đồng, trong đó cơ cấu nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương 4.497.170 triệu đồng và ngân sách địa phương 2.302.830 triệu đồng. Các nội dung khác giữ nguyên theo Nghị quyết số 87/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh Tuyên Quang.
(3) Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang: Tổng mức đầu tư dự án khoảng 100.000 triệu đồng, nguồn vốn đầu tư từ vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội và vốn ngân sách địa phương, thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2025. Với quy mô đầu tư gồm hạng mục xây dựng chính (nhà Khoa khám bệnh và điều trị ngoài trú; nhà điều trị khoa: ngoại, nội, sản, nhi, dinh dưỡng; nhà hành chính; nhà Khoa chống nhiễm khuẩn, khoa dược; cải tạo, mở rộng nhà khoa phẫu thuật gây mê, hồi sức cấp cứu; nhà Khoa truyền nhiễm; nhà Đại thể; hành lang nhà cầu), hạng mục phụ trợ bao (sân, đường giao thông nội bộ; hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, nước thải y tế; hệ thống phòng cháy chữa cháy…) công trình sẽ đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của Trung tâm y tế huyện và đảm bảo điều kiện làm việc, cơ sở vật chất để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân với quy mô 300 giường bệnh.
Toàn cảnh kỳ họp.
(4) Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tuyên Quang: Tổng mức đầu tư dự án khoảng 61.000 triệu đồng, nguồn vốn đầu tư từ vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội và vốn ngân sách địa phương, thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2025. Với quy mô đầu tư gồm xây dựng mới các hạng mục công trình và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp với công năng sử dụng, chức năng nhiệm vụ và đáp ứng các tiêu chuẩn ngành gồm nhà làm việc chính, nhà kho vật tư, nhà kho lạnh, nhà kho vaccine, hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế, các hạng mục phụ trợ, công trình sẽ đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, đảm bảo khu vực làm việc, nghiên cứu, đào tạo và thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh (đặc biệt phòng chống dịch Covid-19); phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng; khám phát hiện, điều trị dự phòng và các dịch vụ y tế khác của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh.
(5) Nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng Bệnh viện suối khoáng Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang: Nội dung điều chỉnh gồm: Tổng mức vốn đầu tư 208.000 triệu đồng; cơ cấu nguồn vốn đầu tư gồm vốn Ngân sách Trung ương 168.000 triệu đồng, vốn ngân sách địa phương 40.000 triệu đồng. Các nội dung khác giữ nguyên theo Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 29/4/2020 của HĐND tỉnh Tuyên Quang.
(6) Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình, dự án thực hiện thu hồi đất năm 2022 theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang: Bổ sung danh mục 05 công trình, dự án với diện tích 4,9 ha; điều chỉnh diện tích danh mục 07 công trình, dự án đã được HĐND tỉnh thông qua tại các kỳ họp trước với tổng diện tích thu hồi bổ sung 27,15 ha để thực hiện thu hồi đất năm 2022; đưa ra khỏi danh mục 01 dự án Làng Văn hoá du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương thuộc danh mục dự án thực hiện thu hồi đất năm 2022 tại Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh Tuyên Quang do thay đổi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách sang vốn huy động của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Sau khi điều chỉnh 3 nội dung tại dự thảo nghị quyết, đến thời điểm hiên nay số công trình dự án thu hồi đất năm 2022 theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua là 294 công trình, dự án với diện tích 3.494,72 ha.
(7) Nghị quyết chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án, công trình theo điểm b khoản 1 điều 58 Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang: Số công trình, dự án phải chuyển mục đích đất trồng lúa, trên địa bàn tỉnh 25 công trình, dự án với tổng diện tích 33,13 ha, trong đó: Huyện Na Hang 03 dự án, diện tích 0,33 ha; huyện Yên Sơn 12 dự án, diện tích 21,82 ha; huyện Sơn Dương 06 dự án, diện tích 6,80 ha; thành phố Tuyên Quang 03 dự án, diện tích 1,56 ha; huyện Lâm Bình 01 dự án, diện tích 2,62 ha.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung phát biểu bế mạc kỳ họp.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh khẩn trương tổ chức thực hiện các nghị quyết đảm bảo các trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật hiện hành; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện để các dự án hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Các cấp, các ngành, địa phương tập trung triển khai toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh khẩn trương thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại trong 5 tháng cuối năm 2022, nhất là chỉ tiêu đạt thấp, chỉ tiêu dự kiến không hoàn thành để có giải pháp thực hiện phù hợp, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 đã đề ra. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, đảm bảo đến 31/12/2022 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt trên 95% kế hoạch. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu ngân sách Nhà nước, thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu theo quy định và theo dự toán; thực hiện hiệu quả các giải pháp chống thất thu ngân sách, bảo đảm hoàn thành và vượt dự toán năm 2022. Quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, giá đất, nhất là các khu quy hoạch; kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khẩn trương khắc phục hạn chế, bất cập trong giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai. Các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin cho từng đối tượng đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Đồng chí đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh bằng các hình thức phù hợp thông tin đến cử tri kết quả của kỳ họp, các nghị quyết đã được thông qua; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh ý kiến, kiến nghị của của tri; tổ chức giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh...