Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại ngày làm việc thứ 8, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 27/7, Quốc hội làm việc tại Hội trường.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang

Trước khi Quốc hội tiến hành các nội dung của phiên họp toàn thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu, gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng lời thăm hỏi ân cần, tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc nhất. Sau đó, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.


Đại biểu Âu Thị Mai thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Sáng ngày 27/7/2021)

Tham gia thảo luận tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đại biểu đại biểu Âu Thị Mai nhận định Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4%/năm. Nhiều huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt, khó khăn được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.  Đặc biệt sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những hạn chế khó khăn, như: kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; nguồn lực thực hiện chương trình còn dàn trải, manh mún, các mô hình sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ nhưng hiệu quả kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm phát triển theo chuỗi giá trị còn hạn chế,... Đại biểu đề cập đến 05 vấn đề góp phần để Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đạt hiệu quả hơn: (1) Cần có giải pháp căn cơ, tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết về đời sống của người dân như tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số vùng nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. (2) Tiếp tục tích hợp ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hỗ có điều kiện. (3) Phải đặt người nghèo ở vị trí chủ thể trung tâm của công tác giảm nghèo; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo đến các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo. Khơi dậy ý thức tự chủ, vươn lên thoát nghèo, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của nhà nước mà phải sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo. (4) Dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh miền núi, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng kết nối giao thông, kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng. (5) Cần có chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương quản lý, phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, phát triển kinh tế - xã hội để người dân sống được bằng nghề rừng và làm giàu từ rừng.

Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.


Đại biểu Ma Thị Thúy thảo luận tại hội trường (Chiều ngày 27/7/2021)

Tham gia thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Ma Thị Thúy đồng tình cao với tờ trình của Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu cho rằng, hiện nay việc thực hiện các dự án xây dựng đầu tư ở địa phương vẫn còn vướng mắc, chậm chễ. Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề xuất một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục sự chậm trễ trong thực hiện các dự án đầu tư công là cho tách nội dung phần đền bù giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng. Theo đại biểu, đây là giải pháp quan trọng nhất khắc phục sự chậm trễ trong thực hiện các dự án đầu tư công. Hiện nay, các tỉnh miền núi phía Bắc mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm bố trí nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ kết nối khu vực miền núi. Thông qua đó, tạo điều kiện kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và kết nối phát triển du lịch, phát triển kinh tế cửa khẩu, bảo vệ biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, đại biểu mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm bố trí nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ kết nối khu vực miền núi. Thông qua đó, tạo điều kiện kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và kết nối phát triển du lịch, phát triển kinh tế cửa khẩu, bảo vệ biên giới quốc gia. Đại biểu nhấn mạnh, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại đảm bảo kết nối vùng, miền là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Việc kết nối giao thông giữa tỉnh Hà Giang và các tỉnh miền núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Chính phủ cần quan tâm bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021- 2025 để đầu tư xây dựng tuyến đường tốc độ cao Hà Giang - Tuyên Quang và để sớm triển khai tuyến đường này đại biểu đề xuất với Chính phủ giải pháp khắc phục khó khăn về nguồn vốn hiện nay, đó là Trung ương bố trí hỗ trợ đầu tư xây dựng đường, còn lại địa phương sẽ thực hiện nguồn vốn giải phóng mặt bằng.

Cuối giờ chiều, các vị đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua 03 nghị quyết: Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; Các nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022.

Phòng Công tác Quốc hội
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục