Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang chủ trì phiên thảo luận. |
Sau phần gợi ý thảo luận, ý kiến các đại biểu ghi nhận các kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại hạn chế, khẳng định ý nghĩa vai trò của kế hoạch đầu tư công trung hạn để tạo đà phát triển đất nước trong giai đoạn tới, các đại biểu cũng lưu ý một số vấn đề về quan điểm mục tiêu nguyên tắc tiêu chí phân bổ, dự kiến phân bổ để khắc phục dàn trải chậm chễ trong triển khai thực hiện, nợ đọng thực hiện, hướng tới thực hiện hiệu quả, thực chất trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, các đại biểu đồng tình với những tồn tại hạn chế trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đó là: đầu tư từ ngân sách nhà nước còn dàn trải; hiệu quả đầu tư một số công trình hạ tầng chưa cao; thể chế pháp luật về đầu tư công chưa thực sự đồng bộ, thống nhất; chưa khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo giữa các quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư công; vẫn còn lúng túng trong việc triển khai Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn; cách hiểu và cách tiếp cận thực hiện của các bộ, ngành và địa phương còn khác nhau, dẫn đến mất nhiều thời gian trong hoàn thiện thủ tục các dự án đầu tư công.
Đại biểu Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu cho rằng hiện nay cơ cấu đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xử lý bất hợp lý vùng miền; chú trọng đầu tư cho các ngành nghề có lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế. Đồng thời, đại biểu đề nghị là cần có cơ chế huy động nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư công, có cơ chế thí điểm đầu tư công chuyển sang đầu tư tư, sau đó nhà nước thuê lại. Muốn thu hút được thì cần tạo ra hành lang pháp lý mang tính ổn định. Kế hoạch đầu tư 5 năm giai đoạn 2021-2025 cần tính toán phân bổ nguồn lực cho dự án liên kết vùng, có như vậy mới tạo ra động lực trong phát triển kinh tế vùng, cần khắc phục tình trạng chậm bố trí vốn cho dự án đã được phê duyệt.
Đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 |
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19” và phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid -19 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đã tham gia buổi lễ quyên góp, ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19 tại phòng họp Diên Hồng.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 và Phê chuẩn quyết toán nhà nước năm 2019.
Các đại biểu đánh giá cao chính phủ đã nỗ lực trong ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; các quy định về môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được sửa đổi, bổ sung; Chính phủ điện tử, hệ thống thương mại điện tử tiếp tục phát triển… nhờ đó thủ tục hành chính, năng lực cạnh tranh được cải thiện, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các đại biểu đánh giá cao tầm quan trọng của công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đây là điều kiện để tạo dư địa cho tăng thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, nhấn mạnh quan điểm lãng phí còn nghiêm trọng hơn tham nhũng, vì vậy thực hiện tốt chủ trương này là tiền đề để có nguồn lực cho các dự án quan trọng khác là rất cần thiết. Vì vậy, quan điểm là cần tiết kiệm tổng thể, từ nhân lực, vật lực, tài lực; tiết kiệm thực hành, chống lãng phí cần được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của luật.
Toàn cảnh buổi thảo luận tại Tổ 14 (chiều ngày 24-7-2021) |
Qua trao đổi các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng trong quản lý, sử dụng tài sản công, tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, đặc biệt là đối với các cơ sở nhà, đất bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; tổ chức xử lý tài sản đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để lãng phí, thất thoát tài sản công. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công; xử lý nghiêm các sai phạm. Đề nghị, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tài nguyên; chấn chỉnh việc cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng; ban hành nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường và sử dụng hiệu quả chất thải tại các khu công nghiệp, nhà máy, nguồn tài nguyên nước Quốc gia.