Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ về Kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025

Sáng 23-7, tiếp tục kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đã thảo luận tại tổ cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh và thành phố Hải Phòng về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Tuyên Quang chủ trì thảo luận.

Toàn cảnh buổi họp tổ.

Sau khi nghe Báo cáo về kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Báo cáo thẩm tra về kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025,  các đại biểu nhất trí với nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong kế hoạch tài chính 5 năm. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng cần đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, khuyến khích tính chủ động sáng tạo và trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 cũng đã phân cấp mạnh hơn giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo nguyên tắc ngân sách Trung ương giữ các nguồn thu quan trọng và phải đảm nhận các khoản chi chủ yếu. Cùng với việc số thu tăng dần qua các năm, ngân sách địa phương được mở rộng quyền tự chủ để khai thác các nguồn thu tại chỗ, bố trí chi tiêu hợp lý trên địa bàn.

Luật Ngân sách Nhà nước cũng quy định giao ổn định nguồn thu, nhiệm vụ chi cho mỗi cấp ngân sách, ổn định tỷ lệ điều tiết và số bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương từ 3 - 5 năm, đánh dấu một bước cải cách lớn trong quản lý ngân sách. Tuy nhiên, đến nay cơ chế phân cấp ngân sách đã có những bất cập, lộ rõ những rủi ro. Đó là vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương giảm, làm giảm khả năng, vai trò định hướng của ngân sách Trung ương, giảm khả năng đầu tư dứt điểm các công trình trọng điểm, mang tính đột phá đối với sự phát triển của nền kinh tế...

Bên cạnh đó, do phạm vi nguồn lực chính quyền địa phương được hưởng, nhất là đối với 47 tỉnh, thành phố nhận số bổ sung từ ngân sách Trung ương cũng như cơ chế phân cấp tương đối đặc thù (không phân chia theo sắc thuế mà phân chia theo tổng nguồn thu trên địa bàn), nên vai trò của chính quyền địa phương trong việc quyết định nguồn thu và nhiệm vụ chi tương đối hạn chế. Trong khi đó, quy mô chi của ngân sách Trung ương đang có xu hướng giảm dần và ở mức dưới 50% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Vấn đề này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, các đại biểu cho rằng cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi cơ chế phân cấp nguồn thu - nhiệm vụ chi ngân sách theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, nhất là trong bối cảnh hiện nay, tập trung xác định mục tiêu tổng quát là đổi mới cơ chế phân cấp và phân bổ ngân sách theo hướng phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa nhà nước và thị trường, giữa ngân sách Nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, giữa ngân sách nhà nước và nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Kết luận phiên thảo luận tổ, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang tán thành với những giải pháp thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đề nghị Chính phủ lưu ý thêm giải pháp nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương về nguồn thu và thực hiện nhiệm vụ chi quốc gia, kế hoạch trả nợ công; tăng cường các giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế; cơ cấu lại nguồn chi đảm bảo giảm chi thường xuyên, tạo cơ chế huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, điều chỉnh định mức chi phù hợp thực tiễn hiện nay.

Nguyễn Thị Kim Oanh
Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục