Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Hoạt động tích cực trách nhiệm tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội hóa XV

Sau 9 ngày làm việc liên tục, khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công rất tốt đẹp.

Đây là kỳ họp có nhiều nội dung rất quan trọng, diễn ra trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, bùng phát mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam và có nguy cơ lan rộng. Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và khát khao cống hiến, tận dụng tối đa thời gian, làm việc ngoài giờ và làm thêm các ngày nghỉ, đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, xác đáng để Quốc hội xem xét, thông qua.


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang

Kỳ họp này tiếp tục ghi nhận những đóng góp và hoạt động tích cực, trách nhiệm của các ĐBQH tỉnh Tuyên Quang trong thảo luận hội trường, thảo luận tại tổ. Những ý kiến mà các đại biểu trong  Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu đều thể hiện sự nghiên cứu sâu, trách nhiệm truyền tải kiến nghị của cử tri tới diễn đàn Quốc hội.

Trong kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang tham gia thảo luận ở Tổ 14 cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh và ĐBQH thành phố Hải Phòng. Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính Trị, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương tham gia thảo luận tại Tổ 14. Trong 05 phiên thảo luận của Tổ 14, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trường đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang là người chủ trì. Các đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tích cực tham gia cho ý kiến vào các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Báo cáo về kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; hệ thống các kế hoạch giai đoạn 5 năm 2021-2025: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công; Kế hoạch đầu tư công trung hạn và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025,....

Tại phiên họp tổ thảo luận về kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia giai đoạn 2021-2025, đại biểu Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tán thành với những giải pháp thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đề nghị Chính phủ lưu ý thêm giải pháp nghiên cứu sửa đổi luật Ngân sách nhà nước đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương về nguồn thu và thực hiện nhiệm vụ chi Quốc gia, kế hoạch trả nợ công, tăng cường các giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế, cơ cấu lại nguồn chi đảm bảo giảm chi thường xuyên, tạo cơ chế huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, điều chỉnh định mức chi phù hợp thực tiễn hiện nay.

Tại phiên thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021-2025, đại biểu Chẩu Văn Lâm, đánh giá hiện nay cơ cấu đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xử lý bất hợp lý vùng miền; chú trọng đầu tư cho các ngành nghề có lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế. Đại biểu đề nghị thời gian tới cần có cơ chế huy động nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư công, có cơ chế thí điểm đầu tư công chuyển sang đầu tư tư, sau đó nhà nước thuê lại. Muốn thu hút được thì cần tạo ra hành lang pháp lý mang tính ổn định. Kế hoạch đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021-2025 cần tính toán phân bổ nguồn lực cho dự án liên kết vùng, có như vậy mới tạo ra động lực trong phát triển kinh tế vùng, cần khắc phục tình trạng chậm bố trí vốn cho dự án đã được phê duyệt.

Các phiên thảo luận tổ cũng ghi nhận nhiều ý kiến chất lượng, trách nhiệm cao của đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV tỉnh về nhiều vấn đề được cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm như: Xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới; CTMTQG giảm nghèo bền vững; thực hiện các chính sách an sinh xã hội đặc biệt là chính sách đối với các hộ nghèo, cận nghèo không còn nằm trong vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, nhất là chính sách BHYT,....

Kỳ họp này Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đã có 03 lần tham gia phát biểu tại hội trường về các vấn đề kinh tế xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025,...cùng với đó là những hoạt động tích cực của đoàn tại các phiên thảo luận tổ đã được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Những ý kiến được đoàn tham gia tại kỳ họp lần này đã cho thấy sự tìm hiểu, nghiên cứu sâu về các vấn đề, cùng với đó là tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu khi đã truyền tải những nguyện vọng chính đáng của cử tri tỉnh Tuyên Quang qua những lần tiếp xúc cử tri, tiếp công dân tới diễn đàn Quốc hội, tới các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành.


Toàn cảnh phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Tại phiên thảo luận Hội trường về kinh tế xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương quan tâm đến một số vấn đề: Sớm  ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về định mức, đối tượng, phạm vi để triển khai thực hiện Chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;  quan tâm triển khai thật tốt lộ trình thay sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, việc thay sách giáo khoa cần phải triển khai thật khoa học, bài bản; quan tâm sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn cụ thể về cho thuê rừng phòng hộ, đặc dụng, đảm bảo thống nhất giữa Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai để tạo thuận lợi cho người dân được giao, khoán đất và rừng thực hiện quyền sử dụng đất, sử dụng và sở hữu rừng theo quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế hàng hóa hiện nay và xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội cho phù hợp.

Về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021, đại biểu đại biểu Âu Thị Mai đã đánh giá Chương trình đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4%/năm. Nhiều huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt, khó khăn được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân,..... Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những hạn chế khó khăn, như: kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; nguồn lực thực hiện chương trình còn dàn trải, manh mún, các mô hình sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ nhưng hiệu quả kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm phát triển theo chuỗi giá trị còn hạn chế,... Đồng thời, đại biểu đề xuất một số giải pháp sẽ góp phần để Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đạt hiệu quả hơn, đó là: (1) Cần có giải pháp căn cơ, tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết về đời sống của người dân như tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số vùng nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. (2) Tiếp tục tích hợp ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hỗ có điều kiện. (3) Phải đặt người nghèo ở vị trí chủ thể trung tâm của công tác giảm nghèo; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo đến các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo. Khơi dậy ý thức tự chủ, vươn lên thoát nghèo, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của nhà nước mà phải sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo. (4) Dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh miền núi, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng kết nối giao thông, kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng. (5) Cần có chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương quản lý, phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, phát triển kinh tế - xã hội để người dân sống được bằng nghề rừng và làm giàu từ rừng.

Trong phiên họp buổi chiều ngày 27/7, thảo luận về nội dung đầu tư công trung hạn, đại biểu Ma Thị Thúy mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ cho các tỉnh miền núi phía Bắc để kết nối khu vực miền núi, tạo điều kiện kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và kết nối phát triển du lịch, phát triển kinh tế cửa khẩu, bảo vệ biên giới quốc gia. Việc phát triển hạ tầng giao thông đường bộ hiện nay bảo đảm kết nối vùng miền một cách nhanh hơn, gần hơn, để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất hàng hóa đang là yêu cầu cấp thiết. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa Hà Giang và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đầu tư xây dựng tuyến đường tốc độ cao đi Hà Giang để kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, như vậy mới phát huy được hiệu quả toàn tuyến. Nếu được đầu tư tuyến đường tốc độ cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường phát huy lợi thế để phát triển liên vùng, phát triển du lịch cũng như khai thác được tiềm năng quỹ đất của các tỉnh miền núi, tăng cường giao thương hàng hóa của cả khu vực qua cửa khẩu Thanh Thủy của Hà Giang. Mặt khác, với việc được đầu tư tuyến đường sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế, những lợi ích to lớn về mặt xã hội, an ninh quốc phòng. Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn hiện nay, đại biểu đề xuất và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ là trung ương bố trí hỗ trợ đầu tư xây dựng, còn lại địa phương sẽ thực hiện nguồn vốn để giải phóng mặt bằng.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã kết thúc rất tốt đẹp và thành công như mong đợi, với những kết quả quan trọng được cử tri, nhân dân cả nước đánh giá cao. Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang với tinh thần trách nhiệm, dân chủ cao dã có những hoạt động tích cực, góp phần vào thành công đó. Sau kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan trong tỉnh tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri và các hoạt động khác để tuyên truyền, phổ biến những nội dung của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV tới cử tri, nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, tiếp tục lắng nghe, tiép thu và gửi những nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri tỉnh nhà đến các cơ quan chức năng xem xét,  giải quyết./.

Phòng Công tác Quốc hội
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục