Hoạt động đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021: Chất lượng, đổi mới, trách nhiệm, hiệu quả

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, khẳng định vị thế cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chúc mừng Thường trực HĐND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh khóa XVIII. (Ngày 29/6/2016)

Trong đó chú ý đổi mới công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp; coi trọng nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết, điều hành thảo luận, chất vấn tại kỳ họp; đổi mới nội dung, phương thức thực hiện các cuộc giám sát, tiếp xúc cử tri; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của HĐND tỉnh. Qua đó, thực hiện tốt chức năng quyết định, giám sát, đại diện ý chí nguyện vọng của nhân dân. Tại các kỳ họp, đa số các đại biểu tích cực tham gia thảo luận, cùng HĐND tỉnh cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy, quyết nghị đúng đắn các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an nình của địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, qua 12 kỳ họp (03 kỳ bất thường) đã ban hành 183 nghị quyết bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định, có sự đồng thuận cao của đại biểu HĐND tỉnh, nhiều cơ chế chính sách được ban hành phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn như: Các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa, kinh tế lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng nông thôn, các chính sách liên quan đến sản xuất, đời sống nhân dân phù hợp với thực tiễn, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và đạt hiệu quả cao. Kết quả đạt được có vai trò, đóng góp quan trọng trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh. Thực tế cho thấy, chất lượng đại biểu, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh đóng vai trò quyết định đối với chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh.

HĐND tỉnh Tuyên Quang khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã được bầu đủ số lượng đại biểu ngay trong cuộc bầu cử của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 vào tháng 5/2016, đảm bảo về cơ cấu, thành phần và trình độ học vấn, có năng lực hoạt động dân cử. Công tác chuẩn bị giới thiệu người ứng cử được thực hiện dân chủ, công khai, công bằng, đúng pháp luật, lựa chọn những người ứng cử tiêu biểu, có uy tín, đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của các cấp ủy đảng trong công tác cán bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để HĐND tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Đề án bầu cử đã được Thường trực HĐND tỉnh chuẩn bị kỹ lưỡng bảo đảm cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn để phát huy tính dân chủ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao; báo cáo các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để đưa ra hiệp thương lần 1 có 118 người; hiệp thương lần 2 có 115 người; hiệp thương lần 3 lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh có 97 người; chú trọng công tác bồi dưỡng kỹ năng vận động bầu cử cho các ứng cử viên trước khi tổ chức vận động bầu cử đặc biệt là những ứng cử viên lần đầu ứng cử. Kết quả bầu cử có 59 người trúng cử, dân tộc thiểu số 31 đại biểu (chiếm 52%); nữ 21/59 đại biểu (chiếm 35%); đại biểu ngoài Đảng có 7/59 đại biểu (chiếm 11%); có 27/59 (chiếm 45,7%) đại biểu tái cử thể hiện sự kế thừa của khóa trước giữa những đại biểu có bề dày kinh nghiệm với đại biểu mới tham gia đều là những đại biểu ưu tú, được rèn luyện, thử thách trong thực tế và có khả năng tiếp thu, vận dụng đường lối, chính sách, pháp luật vào thực tiễn cuộc sống; có năng lực, trình độ để thực hiện nhiệm vụ đại biểu theo luật định.

Số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021 chiếm tỷ lệ 25,4% tổng số đại biểu, gồm 15 đại biểu: Chủ tịch; 02 Phó Chủ tịch, 11 Trưởng, Phó các Ban HĐND tỉnh và Chánh Văn phòng HĐND tỉnh. Các đại biểu HĐND tỉnh chuyên trách giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động của HĐND tỉnh. Việc quan tâm bố trí đủ số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách đã bảo đảm điều kiện, tạo thuận lợi cho HĐND tỉnh hoàn thành chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao.


Toàn cảnh kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVIII. (Ngày 5/12/2019)

Phát huy vai trò, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, hoạt động giám sát được các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện chất lượng, có hiệu quả; đổi mới cả về nội dung, phương thức thực hiện. Với phương châm bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở, tiếp cận và lắng nghe ý kiến của cử tri, nhân dân, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh đã lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề nóng, vấn đề khó giải quyết, liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích của nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh thực hiện 15 cuộc giám sát chuyên đề, 52 cuộc giám sát thường xuyên với nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: Việc thực hiện điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang theo Quyết định số 1766/QĐ- TTg ngày 10/10/2011 của Chính phủ; thực hiện Luật Viên chức, cải cách hành chính; thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc lĩnh vực quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường...Hình thức giám sát không ngừng được đổi mới, nhiều cuộc giám sát chuyên đề, để tăng tính thuyết phục, HĐND tỉnh thực hiện giám sát bằng hình ảnh để làm dẫn chứng sinh động từ thực tiễn ở cơ sở, tăng tính thuyết phục cho những nhận định, đánh giá. Cùng với giám sát, đại biểu HĐND tỉnh tham gia 08 phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh về các vấn đề được nhiều cử tri quan tâm như: Việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội; việc giao đất, cấp giấy CNQSD đất; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh; việc đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh; việc quản lý và thực hiện quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh;… Qua đó, các đại biểu HĐND tỉnh kịp thời kiến nghị yêu cầu giải quyết những vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp; nhiều vấn đề quan trọng có tác động rộng lớn, liên quan đến đời sống của nhân dân đã được tập trung giải quyết và mang lại hiệu quả cao, tạo sự chuyển biến tích cực tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.

Trong hoạt động chất vấn, đã thực hiện 06 phiên chất vấn, với 15 nhóm vấn đề chất vấn đối với 19 đơn vị. Nhóm nội dung chất vấn tại các kỳ họp được chuẩn bị kỹ, có sự đồng tình cao của các đại biểu HĐND tỉnh, sát đúng với nội dung mà cử tri quan tâm; nội dung chất vấn ngắn gọn, thẳng thắn, người trả lời không né tránh; thể hiện rõ trách nhiệm của người chất vấn, trả lời chất vấn. Sau chất vấn đều có kết luận cụ thể về trách nhiệm của người trả lời chất vấn và các cơ quan có liên quan; những việc chưa làm được, lộ trình khắc phục.


Đại biểu xem Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa - Xã hội tại kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVIII. (Ngày 5/12/2019)

Hoạt động giám sát, khảo sát, chất vấn, giải trình đã góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước, nghị quyết của HĐND tỉnh trên các lĩnh vực, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thúc đẩy thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Để mỗi đại biểu HĐND thực sự là đại diện ý chí, nguyện vọng của cử tri, trong những năm qua, đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp xúc cử tri tại 527 điểm, tổng hợp 2.426 ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời cử tri. Qua mỗi kỳ tiếp xúc cử tri, các đại biểu HĐND lắng nghe, trả lời những ý kiến, kiến nghị phản ánh của cử tri hoặc tổng hợp, tiếp thu có chọn lọc những ý kiến đó để yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết, đồng thời phổ biến các Nghị quyết của HĐND và tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện Nghị quyết. Đại biểu HĐND là chiếc cầu nối giữa cử tri với cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, tạo điều kiện cử tri thực hiện quyền giám sát đối với đại biểu HĐND do mình bầu ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh còn có hạn chế nhất định. Phần lớn đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, nên việc dành thời gian cho hoạt động đại biểu còn ít; một số ít đại biểu còn ít tham gia thảo luận, chất vấn, chưa thực sự chủ động.tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh, từ thực tế có thể nêu ra một số kinh nghiệm, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của HĐND, nhất là công tác cán bộ. Bố trí cán bộ đúng tầm, có đủ năng lực, trình độ để làm nhiệm vụ ở cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương. Trong bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 cần coi trọng làm tốt việc lựa chọn, hiệp thương giới thiệu người ứng cử bảo đảm cơ cấu, chất lượng theo nguyên tắc đại biểu trúng cử phải là người tiêu biểu trong số người được giới thiệu ứng cử trong cơ cấu; giải quyết tốt mối quan hệ giữa “cơ cấu và chất lượng đại biểu”. Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh cần quan tâm xem xét vừa đảm bảo cơ cấu, thành phần theo quy định, vừa đảm bảo trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND.

Hai là, để làm tốt vai trò cầu nối giữa nhân dân với chính quyền các cấp, để mỗi đại biểu HĐND tỉnh thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, người đại biểu dân cử phát huy tinh thần trách nhiệm trong học tập nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, cụ thể hóa thông qua chế độ chính sách, nghị quyết của HĐND tỉnh kết hợp kinh nghiệm tích lũy qua thực tiễn để phát hiện những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để kiến nghị biện pháp giải quyết, tháo gỡ kịp thời, giúp HĐND ban hành nghị quyết đúng đắn, phù hợp với thực tiễn địa phương. Mỗi đại biểu cần nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu, có bản lĩnh vững vàng, không nể nang, né tránh, tham gia trách nhiệm, hiệu quả đối với các hoạt động Tổ đại biểu, thành viên các Ban của HĐND tỉnh trong thảo luận, chất vấn, giám sát theo quy định. Bên cạnh đó, đại biểu HĐND phải gương mẫu, gắn bó, liên hệ chặt chẽ với cử tri; nhằm phát huy tối đa vai trò là người đại biểu của dân, do dân và vì dân.

Ba là, coi trọng vai trò chỉ đạo, điều hòa hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, bảo đảm dân chủ, khoa học, thường xuyên, cụ thể để phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ, trách nhiệm, sở trường và vai trò của mỗi đại biểu. Trước hết, với đại biểu chuyên trách và đại biểu là thành viên các Ban HĐND, Thường trực HĐND tỉnh thông qua chỉ đạo, điều hòa hoạt động thường xuyên của các Ban HĐND để phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của đại biểu đối với hoạt động của HĐND, nhất là hoạt động thẩm tra, giám sát và tham gia chuẩn bị, tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh. Hoạt động của đại biểu chuyên trách, thành viên của các Ban phải được coi là trụ cột, tạo sự lan tỏa đối với các đại biểu khác.

Thông qua các Tổ đại biểu để chỉ đạo, điều hòa hoạt động của đại biểu, các Tổ đại biểu được thành lập hợp lý theo địa bàn ứng cử. Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh và Quy chế làm việc của Thường trực HĐND tỉnh chế định rõ nhiệm vụ của Tổ đại biểu và đại biểu; cơ chế chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh đối với hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu trong xây dựng, thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; tổ chức và thực hiện hoạt động giám sát.

Bốn là, Tiếp tục bảo đảm chế độ, chính sách, phương tiện hoạt động, coi trọng việc cung cấp thông tin, tư liệu cho đại biểu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; vận hành hiệu quả phần mềm gửi nhận văn bản và điều hành kỳ họp; trang thông tin điện tử HĐND tỉnh; ứng dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành kết nối toàn tỉnh.. là phương tiện hữu hiệu cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh.

Năm là, chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu. Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Ban Công tác đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề cho đại biểu, từng chuyên đề được lựa chọn kỹ, sát thực với yêu cầu hoạt động của đại biểu. Định kỳ tổ chức Hội nghị giao ban với Thường trực HĐND các huyện, thành phố (mỗi quý 01 lần) để đại biểu chuyên trách các cấp trao đổi kinh nghiệm thực tế trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND nhằm nâng cao kỹ năng cho đại biểu HĐND tỉnh, tăng tính chuyên nghiệp cho đại biểu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh.

Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục