Cùng với việc xem xét các báo cáo trình tại kỳ họp theo luật định, đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận, xem xét, thông qua 32 dự thảo nghị quyết (trong đó 02 nghị quyết về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền; 02 nghị quyết bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND tỉnh; 28 nghị quyết về các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, giáo dục và đào tạo, nội vụ, chính sách).
Tiếp tục đổi mới hoạt động kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất thảo luận tại tổ đối với 11 dự thảo nghị quyết phạm vi tác động hẹp; thảo luận trực tiếp tại hội trường đối với 17 dự thảo nghị quyết phạm vi tác động rộng, nhiều đối tượng chịu sự tác động. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu HĐND tỉnh đã tích cực nghiên cứu, tham gia ý kiến thảo luận đối với các dự thảo nghị quyết. Các ý kiến thảo luận chất lượng, có tính phản biện cao, được UBND tỉnh nghiêm túc tiếp thu, giải trình, bổ sung, chỉnh sửa trước khi quyết nghị; được đại biểu HĐND tỉnh tán thành thông qua với tỷ lệ cao.
Đại biểu Tăng Thị Dương, tổ đại biểu huyện Sơn Dương.
Đối với dự thảo nghị quyết Quy định mức chi đón tiếp, thăm hỏi, chúc mừng, phúng viếng đối với một số đối tượng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, các Tổ đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét bỏ nội dung “vòng hoa” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 4 để phù hợp với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang giai đoạn hiện nay, theo đúng tinh thần Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 17/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; làm rõ các đoàn đại biểu, cá nhân đến thăm, làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là khách trong nước hay nước ngoài; quy định rõ mức quà tặng chúc mừng, thăm hỏi, phúng viếng cụ thể cho từng cấp để bảo đảm thống nhất trong tổ chức thực hiện. Đại biểu Tăng Thị Dương, tổ đại biểu ứng cử tại huyện Sơn Dương đề nghị dự thảo nghị quyết chỉ nên quy định mức chi theo đúng thẩm quyền HĐND tỉnh được phân cấp.
Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết bằng máy tính bảng.
Về dự thảo Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách và người tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Tổ đại biểu huyện Yên Sơn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các đối tượng quy định tại Điều 1, Điều 2 và Điều 4 của Nghị quyết; xem xét, bổ sung tên gọi của Nghị quyết và phạm vi điều chỉnh, đối tượng để đảm bảo đủ đối tượng thụ hưởng đang quy định; trao đổi, làm rõ mức hỗ trợ sẽ thực hiện hỗ trợ theo từng tháng hay hỗ trợ một lần…
Đại biểu Tiêu Thị Hương thảo luận vào dự thảo nghị quyết.
Thảo luận đối với dự thảo Nghị quyết Quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc dự toán mua sắm áp dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đại biểu Trần Văn Tú, Tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ căn cứ sửa đổi các nội dung về thẩm quyền mua sắm tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 03/7/2018 của HĐND tỉnh ban hành Quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định việc quản lý, sử dụng tài sản công và xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; đại biểu Tiêu Thị Hương, Tổ đại biểu thành phố Tuyên Quang cho rằng cần thống nhất về thứ tự trong phạm vi điều chỉnh và nội dung Điều 3 của dự thảo Nghị quyết; làm rõ thêm về thẩm quyền mua sắm của Chủ tịch UBND xã. Các ý kiến của đại biểu đã được đồng chí Giám đốc Sở Tài chính tiếp thu, trả lời làm rõ tại phiên họp.
Quang cảnh phiên họp (sáng ngày 4/7/2024). Ảnh: Đức Mạnh.
Đối với 02 dự thảo Nghị quyết về Điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã chuyển nguồn sang năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Thu Chang, Tổ đại biểu Na Hang - Lâm Bình đề nghị làm rõ việc điều chỉnh giảm đã đảm bảo hết đối tượng, hết nhiệm vụ chi, nhất là việc điều chỉnh giảm Dự án 1 và việc điều chỉnh tăng chủ yếu bố trí cho dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu (Dự án 1, Dự án 4) có ảnh hưởng đến mục tiêu, cơ cấu vốn phân bổ cho từng dự án, đảm bảo có phù hợp với quy định không. Giải trình nội dung đại biểu quan tâm, đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết việc điều chỉnh giảm chủ yếu về hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc hướng dẫn; việc điều chỉnh không vượt quá 20% tổng mức đầu tư, căn cứ mục tiêu của chương trình là hoàn toản phù hợp, giúp giảm số xã đặc biệt khó khăn theo lộ trình kế hoạch.
Đại biểu Nguyễn Vũ Linh, tổ đại biểu Hàm Yên phát biểu tham gia vào dự thảo Nghị quyết.
Dự thảo Nghị quyết Quy định về học phí năm học 2023-2024; mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, mức chi trả cho đối tượng miễn, giảm học phí, mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; tiêu chí xác định địa bàn không đủ trường công lập có cấp tiểu học từ năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được đại biểu Nguyễn Vũ Linh, Tổ đại biểu huyện Hàm Yên quan tâm, mong muốn cơ quan chuyên môn, các cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng nội dung nghị quyết đến toàn thể Nhân dân và triển khai việc chi trả tiền chênh lệch học phí tăng thêm cho người nộp đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Ý kiến được đồng chí Vũ Đình Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đồng tình, tiếp thu để triển khai thực hiện.
Đại biểu Phạm Trọng Thuật, tổ đại biểu thành phố Tuyên Quang thảo luận về dự thảo.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với một số trường hợp trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Tuyên Quang quản lý, đại biểu Phạm Trọng Thuật, Tổ đại biểu thành phố Tuyên Quang và đại biểu Hứa Thị Hà, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương đều quan tâm đến tác động của mức giá dịch vụ khám chữa bệnh, mức giá quy định trong Nghị quyết đối với công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân đặc biệt là những người không có thẻ bảo hiểm y tế. Trả lời ý kiến của đại biểu, đồng chí Nguyễn Thành Hưng - Giám đốc Sở Y tế cho rằng mức tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh trong dự thảo hiện bằng giá tối thiểu trong khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Thông tư số 21/2023/TT-BYT (so với mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện nay, hầu hết các dịch vụ mức tăng giá từ 5 đến 10%); hiện nay người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế chiếm 5,6% dân số toàn tỉnh nên không nhiều tác động.
Đại biểu Nông Thị Bích Huệ, Tổ đại biểu Na Hang - Lâm Bình phát biểu đề nghị làm rõ thêm một số nội dung của dự thảo Nghị quyết.
Dự thảo Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được đại biểu Phạm Kiều Trang, Tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa và đại biểu Nông Thị Bịch Huệ, Tổ đại biểu huyện Na Hang - Lâm Bình quan tâm, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ một số nội dung: Đối tượng hỗ trợ tại Điều 3 dự thảo nghị quyết có bị trùng với đối tượng quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 06/7/2023 của HĐND tỉnh không; khoản 2 Điều 4 quy định hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, chiến sĩ và lực lượng tham gia triệt phá, thu gom, tiêu hủy cây có chứa chất ma túy, đã bao gồm chi phí hỗ trợ công tác tiêu hủy như: nhiên liệu tiêu hủy, dụng cụ bảo hộ để tiêu hủy cây ma túy; làm rõ việc không hỗ trợ đối với trường hợp cán bộ, chiến sĩ và lực lượng trực tiếp tham gia đấu tranh với tội phạm về ma túy trong khi thi hành công vụ bị thương dưới 20%; người dân tham gia báo tin có được hỗ trợ hay không… Nội dung đại biểu quan tâm đã được đồng chí Phạm Kim Đĩnh, Giám đốc Công an tỉnh trả lời, làm rõ.