Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ về dự án Luật Kiến trúc và Dự án Luật Giáo dục sửa đổi

Theo chương trình kỳ họp, hôm nay (ngày 08/11) Quốc hội dành đa số thời gian của buổi sáng và chiều để thảo luận về Dự án Luật Kiến trúc và Dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Tại 2 dự án luật này, các thành viên đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã tích cực tham gia góp ý với nhiều vấn đề đang nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Video không hợp lệ

Tại phiên họp, các đại biểu của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang thể hiện sự nhất trí, tán thành cao với tờ trình của Chính phủ về việc cần thiết phải ban hành Luật Kiến trúc. Đại biểu Ma Thị Thúy cho biết việc xây dựng Luật Kiến trúc đã được cơ quan quản lý nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc. Những năm qua cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư đã có những bước phát triển quan trọng đóng góp lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, sự phát triển cũng kéo theo những hạn chế nhất định như công tác quản lý kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu, tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc công trình ở đô thị và nông thôn còn thiếu thống nhất, thiếu bản sắc; các điều kiện hành nghề kiến trúc chưa đầy đủ… Vì vậy, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng việc xây dựng và ban hành Luật Kiến trúc là cần thiết đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và hội nhập. Đối với một số quy định của dự án Luật Kiến trúc đại biểu Ma Thị Thúy thể hiện sự băn khoăn với quy định về chứng chỉ hành nghề, đại biểu Thúy cho rằng nên cấp chứng chỉ hành nghề 1 lần để tạo điều kiện cho các kiến trúc sư hành nghề, tăng tính sáng tạo của ngành nghề đặc thù cũng như đồng bộ và có sự phù hợp với một số ngành như bác sỹ, luật sư… Cho rằng, quy định ủy ban nhân dân cấp huyện, thị trấn ban hành quy chế quản lý kiến trúc theo quy định tại điều 11, 12 của Dự án Luật, đại biểu Thúy cho rằng cần xem lại vấn đề này đã phù hợp với quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay chưa.


Đại biểu Hoàng Bình Quân phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ.

Đại biểu Hoàng Bình Quân thì cho rằng, nền kiến trúc của Việt Nam đã có từ lâu nhưng ít nhiều đã bị ảnh hưởng bởi văn hóa, phong cách kiến trúc của các nước khác cùng với đó là việc trước đây chưa xây dựng được một dự án Luật Kiến trúc hoàn chỉnh. Dẫn chứng một số kiến trúc của các nước như Lào, Campuchia hay một số nước phương Tây có bản sắc và văn hóa kiến trúc riêng, dấu ấn đậm nét khi nhắc đến là có thể hình dung ra ngay đó là kiến trúc của đất nước nào, phong cách nào. Đại biểu Hoàng Bình Quân đề nghị trong dự án Luật Kiến trúc cần quy định và thể hiện rõ bản sắc kiến trúc Việt Nam bởi chúng ta là một đất nước có nhiều dân tộc, mỗi dân tộc lại có một nét văn hóa, phong tục riêng và có cả những nét kiến trúc về xây dựng nhà cửa, các công trình riêng. Vì vậy, Luật Kiến trúc cần chú ý và kế thừa tới yếu tố này.

Bên cạnh đó, đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cũng cho rằng, Ban soạn thảo cân nhắc quy định về các công trình kiến trúc trong dự thảo Luật, bởi nếu quy hết về một mối như vậy thì các công trình dân gian, văn hóa truyền thống sẵn có của dân tộc sẽ được xếp vào loại gì. Cần làm rõ các hành vi xâm phạm cảnh quan, phá vỡ cảnh quan, mức độ vi phạm để có thể áp dụng xử phạt. Vấn đề phòng cháy chữa cháy tại các công trình thời gian qua đã cho thấy vai trò quan trọng của các kiến trúc sư khi thiết kế các công trình cần chú trọng tới yếu tố phòng cháy chữa cháy. Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị trong dự thảo Luật cần thể hiện rõ vấn đề này.

Cũng tại phiên họp tổ chiều nay, đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang tham gia góp ý vào dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Âu Thị Mai cho rằng với điều 72 quy định chuẩn đào tạo cho nhà giáo có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non và quy định có bằng đại học đối với giáo viên tiểu học, theo đó quy định này đến năm 2026 phải hoàn thành thì chỉ phù hợp với các địa phương đồng bằng, thành phố lớn có điều kiện kinh tế. Đại biểu Âu Thị Mai đề nghị quy định này cần kéo dài thời gian thực hiện đối với các tỉnh miền núi có thể là đến năm 2030 để phù hợp với thực tế cũng như khả năng đáp ứng nguồn nhân lực về giáo dục của các tỉnh miền núi, khu vực còn khó khăn.

Đối với quy định để cho UBND các tỉnh biên soạn sách giáo khoa riêng, đại biểu Âu Thị Mai cho rằng điều này là không phù hợp, đặc biệt đối với những địa phương có địa bàn đặc thù, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Việc này không chỉ gây ra lãng phí về tài chính mà còn tạo ra sự thiếu thống nhất trong nội dung và biên soạn sách giữa các địa phương. Vì vậy đại biểu Âu Thị Mai đề nghị cần thống nhất trên toàn quốc mỗi môn học có một bộ sách giáo khoa riêng.

Đại biểu Đỗ Văn Chiến thì cho rằng, chương trình giáo dục của chúng ta cần phải chú trọng vấn đề học phải đi đôi với hành. Bởi hiện nay trong giáo dục - đào tạo chúng ta đang quá chú trọng vào lý thuyết mà chưa chú ý tới thực hành dẫn tới học sinh bị thiếu trang bị về kỹ năng thực tế, những kỹ năng cơ bản trong công việc hay nghề nghiệp, dẫn tới sau khi học số lượng học sinh, sinh viên có thể tìm được việc làm hoặc đáp ứng được nhu cầu của công việc là không cao.

Đại biểu Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị, trong luật cần có những quy định rõ về chế độ chính sách, chế độ cử tuyển đối với con em là học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đây là những vùng có điều kiện khó khăn vì thế để các em được đến trường, được đi học thì rất cần những chính sách ưu tiên, hỗ trợ hơn nữa. Đặc biệt về chế độ cử tuyển, đại biểu Đỗ Văn Chiến cho rằng cần tiếp tục triển khai và bố trí nguồn lực cho chính sách này nhưng cần có sự điều chỉnh cho hợp lý và sắp xếp được việc làm cho các đối tượng cử tuyển sau khi ra trường bởi hiện nay số lượng học sinh cử tuyển sau khi ra trường không cao gây lãng phí nguồn lực và bức xúc trong cử tri.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục