Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ góp ý cho một số Dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng nay (12-11), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Video không hợp lệ

Tiếp đó các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tại tổ 14, các đại biểu Quốc hội của Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đã tích cực tham gia, phát biểu góp ý cho một số Dự án Luật trên.


Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ góp ý cho một số Dự án Luật.

Phát biểu thảo luận, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho biết việc sửa đổi lần này là cần thiết vì qua 3 năm thực hiện, Luật Đầu tư công 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là về quy trình, thủ tục thẩm định nguồn, khả năng cân đối vốn, giao vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn đang gây khó khăn, kéo dài thời gian, chậm tiến độ giải ngân vốn. Tuy nhiên, đại biểu Chẩu Văn Lâm cũng cho rằng, việc sửa luật cần có trọng tâm, trọng điểm. Đối với các dự án đầu tư, đại biểu lưu ý, để chuẩn bị một dự án đầu tư cần có khâu chuẩn bị và nên tách ra hai giai đoạn cụ thể, nhằm đảm bảo thực hiện tốt hoạt động đầu tư.

Đại biểu Chẩu Văn Lâm góp ý cho 4 vấn đề sửa đổi và 6 vấn đề cần nghiên cứu đánh giá tác động, như nên tập trung sửa đổi vào quy định phân loại nguồn vốn đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thẩm định nguồn vốn, thẩm định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh dự án. Theo đại biểu Chẩu Văn Lâm, đó là những khâu vướng mắc lâu nay cần tháo gỡ và trên thực tế đã có đề cập đến vấn đề này. Đại biểu Chẩu Văn Lâm cho rằng, hiện nay việc bổ sung các nhiệm vụ chương trình dự án không thực hiện quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, sử dụng nguồn vốn dự phòng…là những vấn đề đang băn khoăn chưa điều chỉnh. Một số vấn đề đang cần nghiên cứu như xác định dự án đầu tư quốc gia thuộc nhóm b,c, có nên quy định trung hạn 3 năm hay không, trong khi hiện nay đã có kế hoạch 5 năm.

Đại biểu Chẩu Văn Lâm cũng đặt vấn đề với quy định về dự án khẩn cấp, đặc biệt, thẩm quyền của thường trực HĐND, vấn đề này cần báo cáo các đại biểu Hội đồng tại các kỳ họp. Bên cạnh đó, vấn đề tiêu chí quy định nhóm dự án quan trọng cấp quốc gia 35 nghìn tỷ bằng 10% GDP, thống nhất với thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, cần có sự cân nhắc để phù hợp với tình hình ngân sách của đất nước. Nên chỉ có kế hoạch 5 năm và 2 năm, còn kế hoạch 3 năm thiếu tính khả thi nên quy định lại, cùng với đó là mở rộng kế hoạch khẩn cấp và đặc biệt, cần quy định rõ tiêu chí để xác định, đánh giá dự án này để tránh tình trạng lợi dụng để đưa vào dự án.

Về vấn đề đánh giá tác động môi trường, đại biểu Chẩu Văn Lâm nhất trí giao cho Chính phủ đánh giá sơ bộ những dự án quy mô không lớn để thuận lợi cho việc tổ chức triển khai thực hiện, những dự án quy mô nhỏ nên có sự điều chỉnh phân cấp, phân quyền, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết.

Đại biểu Hoàng Bình Quân phát biểu góp ý vào Luật Đầu tư công cho rằng, điều quan trọng trong sửa đổi Luật lần này là phải tạo ra “sức sống” lâu bền của dự án Luật. Mặc dù Luật Đầu tư công mới ra đời nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với thực tế, vì vậy dù mới ra đời nhưng cần thiết phải sửa đổi. Có tới 69/108 điều theo tờ trình của Chính phủ phải sửa với 18 nhóm vấn đề, vì vậy sau khi Quốc hội thảo luận cần có chủ trương rõ ràng và cần thiết phải sửa Luật. Đại biểu Hoàng Bình Quân cũng cho rằng Dự thảo Luật đang tập trung nhiều hơn về nguồn lực, còn hiệu quả đầu ra, vấn đề sau đầu tư như thế nào cần phải rà soát lại. Luật sửa đổi bổ sung cần nâng quy định để nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân cấp địa phương, tạo sự thông thoáng trong triển khai giải ngân thực hiện đầu tư ở địa phương.

Cũng trong chiều nay, thảo luận tại tổ về Dự án luật Phòng chống tác hại rượu, bia, các đại biểu đều thống nhất quan điểm việc cần thiết phải ban hành luật để hạn chế tình trạng lạm dụng rượu bia quá mức gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.

Một số ý kiến cho rằng, đối với tên gọi nên sửa lại theo hướng phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia thay vì quy định như hiện nay là phòng chống tác hại rượu bia, tuy nhiên một số quan điểm khác cũng cho rằng nên giữ nguyên tên gọi để đảm bảo hiệu lực hiệu quả phòng chống tác hại rượu bia của dự án luật.

Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu dẫn chứng về các vụ việc tai nạn giao thông có tới 40% liên quan tới rượu bia, 63% bạo lực gia đình có liên quan đến rượu bia, ngoài ra còn các vụ việc như cướp của, phạm tội…vì vậy, cần quy định giữ nguyên tên gọi là Luật phòng chống tác hại rượu, bia. Bên cạnh đó, đại biểu Ma Thị Thúy cũng quan tâm quy định về hoạt động nấu, sản xuất rượu thủ công nêu trong Dự án Luật, đại biểu Thúy cho rằng nghề nấu rượu thủ công là một nghề phụ tồn tại lâu đời ở Việt Nam, đặc biệt tại một số tỉnh, vùng miền, đây còn là một nghề nuôi sống gia đình đối với nhiều người. Vì vậy, cần có quy định cụ thể đối với vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cho người nấu rượu thủ công, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đối với các quy định về hành vi cấm, đại biểu Ma Thị Thúy đã góp ý với một số quy định như các hành vi liên quan đến quảng cáo buôn bán rượu bia, các hành vi nhập lậu, vận chuyển rượu bia chưa được các cơ quan chức năng cấp phép…. Điều 9 các trường hợp không được uống rượu bia, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng nên đưa thêm các trường hợp như đang, trước và trong thời gian làm việc đặc biệt là đối với cán bộ công chức Nhà nước.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục