Đoàn ĐBQH tỉnh: Tham gia tích cực, trách nhiệm vào các nội dung kỳ họp thứ 6

Sau 22 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, dân chủ và hiệu quả cao, sáng ngày 20-11, Quốc hội đã bế mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Kỳ họp này tiếp tục ghi nhận những đóng góp và hoạt động tích cực, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội tỉnh trong những phiên chất vấn, thảo luận tại hội trường, tại tổ. Những ý kiến của các thành viên đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu đều thể hiện sự nghiên cứu sâu, trách nhiệm, truyền tải kiến nghị của cử tri tới diễn đàn Quốc hội.

Dân chủ, khoa học và trách nhiệm

Đồng chí Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Mặc dù thời gian làm việc không nhiều so với các kỳ họp cuối năm khác nhưng kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã cho thấy sự dân chủ, khoa học và trách nhiệm cao của Quốc hội với cử tri, nhân dân cả nước. Quốc hội đã dành 9,5 ngày xây dựng pháp luật, thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày, xem xét quyết định nhân sự là 1,5 ngày. Thời gian dành cho giám sát chuyên đề và các vấn đề khác là 10 ngày.


Đoàn ĐBQH tỉnh tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. 

Ngay từ đầu kỳ họp, với sự nhất trí cao Quốc hội đã tín nhiệm bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước. Cũng trong công tác nhân sự, Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng Bộ thông tin & truyền thông đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng. Một vấn đề quan trọng khác tại kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu. Kỳ họp này Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, một bước tiến sâu rộng trên đường hội nhập Quốc tế của Việt Nam.

Ngoài ra, có 9 dự án Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch. 6 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Hoạt động tích cực của Đoàn ĐBQH tỉnh

Kỳ họp này Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục tham gia tích cực vào các hoạt động của kỳ họp, với nhiều ý kiến đóng góp thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu dân cử. Đoàn ĐBQH tỉnh đã có trên 20 lượt đại biểu tham gia thảo luận tại tổ và 8 lượt đại biểu thảo luận tại hội trường với trên 60 ý kiến đóng góp vào các nội dung thảo luận. Đặc biệt tại phiên họp tổ thảo luận về dự án Luật Đầu tư công sửa đổi, đại biểu Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã phân tích nhiều vấn đề quan trọng của dự án luật này và đề nghị Ban soạn thảo cần có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Đại biểu Chẩu Văn Lâm cho rằng việc sửa đổi Luật Đầu tư công là cần thiết vì qua 3 năm thực hiện, Luật Đầu tư công 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là về quy trình, thủ tục thẩm định nguồn, khả năng cân đối vốn, giao vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn đang gây khó khăn, kéo dài thời gian, chậm tiến độ giải ngân vốn. Tuy nhiên, đại biểu Chẩu Văn Lâm cũng cho rằng, việc sửa luật cần có trọng tâm trọng điểm. Đối với các dự án đầu tư, đại biểu lưu ý, để chuẩn bị một dự án đầu tư cần có khâu chuẩn bị và nên tách ra hai giai đoạn cụ thể nhằm đảm bảo thực hiện tốt hoạt động đầu tư.

Ngoài ra, các phiên thảo luận tổ cũng ghi nhận nhiều ý kiến chất lượng, trách nhiệm cao của các đại biểu: Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Âu Thị Mai, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các vấn đề như: đầu tư cho giáo dục miền núi, hạ tầng cơ sở, xây dựng đường cao tốc nối Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; công tác giảm nghèo bền vững…

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp này, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về những thuận lợi, khó khăn và giải pháp cho thực hiện chủ đề Năm dân vận chính quyền nhằm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước gần dân, thật sự do dân, vì dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao nội dung chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy, đồng thời nhấn mạnh chủ đề dân vận chính quyền là một nội dung trọng tâm trong xây dựng bộ máy hành chính hiệu quả theo đúng tinh thần chính phủ kiến tạo. Thực hiện được mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính quyền các cấp phối hợp tốt với Ban Dân vận, lắng nghe ý kiến của nhân dân, cử tri. Cần tích cực tổ chức các cuộc đối thoại giữa chính quyền với nhân dân, với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như hoàn thiện những lỗ hổng trong bộ máy hành chính. Ngoài ra, đại biểu Ma Thị Thúy đã có phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về việc vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương ban hành các văn bản pháp luật trái quy định và đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này.

Dấu ấn nổi bật khác tại kỳ họp lần này là việc tham gia thảo luận sôi nổi tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội, về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, góp ý vào các dự án luật đặc xá, luật giáo dục… của Đoàn ĐBQH tỉnh. Nội dung các đại biểu nêu đã truyền tải những nguyện vọng chính đáng của cử tri trong tỉnh tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành.

Đại biểu Hứa Thị Hà trong phần phát biểu của mình đã nêu lên một số vấn đề bức xúc hiện nay như: di dân tái định cư; tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu việc làm, thu nhập không ổn định... nguyên nhân cốt lõi là thiếu nguồn lực nên các chính sách thực hiện còn bất cập. Đại biểu Hứa Thị Hà đã phân tích, đưa ra những dẫn chứng cụ thể, thuyết phục trước Quốc hội. Hay như trong phiên thảo luận về dự án Luật Đặc xá sửa đổi, phần thảo luận của đại biểu Ma Thị Thúy đã được cử tri cả nước và truyền thông quan tâm, đánh giá cao đó là việc đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng là phạm nhân đã bị truy nã loại nguy hiểm trở lên mà không tự ra đầu thú, bị bắt vào diện không được đề nghị đặc xá. Cùng với đó, đại biểu Thúy đề nghị bổ sung thêm đối tượng là tội phạm ma túy và tội phạm đánh bạc vào diện không được đề nghị đặc xá. 

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã khép lại với những kết quả quan trọng được cử tri, nhân dân cả nước đánh giá cao. Góp chung vào thành công ấy có sự đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh thể hiện trách nhiệm cao với cử tri trong tỉnh. Sau kỳ họp, đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan trong tỉnh tăng cường hoạt động tuyên truyền phổ biến những nội dung của kỳ họp thứ 6, những dự án luật được thông qua tới đồng bào cử tri trong tỉnh. Bên cạnh đó, đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục lắng nghe những nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri trong tỉnh để gửi đến các cơ quan chức năng nghiên cứu giải quyết kịp thời, ổn định đời sống nhân dân.   

Ngọc Hưng (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục