Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu tại phiên thảo luận. |
Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị cần nâng cao trách nhiệm và bảo đảm phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trình và các cơ quan có liên quan trong xây dựng luật, pháp lệnh. Đại biểu cho rằng do công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình chỉnh lý một số dự án luật, pháp lệnh còn hạn chế nên đã dẫn đến một số sai sót trong thực tiễn áp dụng. Điều này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung quy định của luật năm 2015 theo hướng xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh.
Theo đó, đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành, đồng thời bổ sung quy định tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả phối hợp của cơ quan thẩm tra và cơ quan trình trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Qua đó phát huy được vai trò của các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động lập pháp và giám sát hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao trách nhiệm, năng lực của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với văn bản quy định chi tiết tại khoản 2, Điều 11, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng với trường hợp dự án văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan Trung ương ban hành nhưng có nội dung phân cấp cho chính quyền địa phương quy định chi tiết. Trong trường hợp này, chính quyền địa phương không phải là cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh, nên không thể trình đồng thời dự thảo văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh. Vì vậy, cần bổ sung quy định đối với trường hợp luật có giao chính quyền địa phương ban hành văn bản quy định chi tiết thì phải kéo dài thời gian từ thời điểm ban hành luật đến thời điểm luật có hiệu lực, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết để có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản phân cấp.
Về cơ quan trình UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu dẫn chứng luật năm 2015 mới chỉ quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của UBND cấp tỉnh, chưa quy định cơ quan, cá nhân nào có quyền trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mà vấn đề này được quy định tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (là cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực). Nhưng trong thực tế còn tồn tại cơ quan không phải là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh nhưng có chức năng quản lý nhà nước như Công an tỉnh, Bộ SHQS tỉnh, Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh hoặc được giao soạn thảo và trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong các văn bản của Trung ương…
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể tại Điều 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có liên quan trong trường hợp xảy ra sai sót trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.