Buổi sáng, Quốc hội thực hiện chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế gồm: Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vaccine trong thời gian tới; việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm Covid-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm; giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn; định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề này; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ; Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đại biểu Quốc hội Lò Thị Việt Hà phát biểu chất vấn |
Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội gồm: Việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả; công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch; thực trạng và nguyên nhân người lao động rời thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt; giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc; việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách.
Tham gia chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, đại biểu Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Qua 4 đợt dịch bùng phát và có ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân, nhất là các tỉnh ở phía Nam, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân, trong đó có gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ và được đánh giá là kịp thời, đúng và trúng đối tượng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết sau 4 tháng triển khai đạt kết quả như thế nào và có đạt kết quả như mong muốn không?
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn |
Trả lời chất vấn của đại biểu Lò Thị Việt Hà, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, 4 tháng là khoảng thời gian ngắn, chưa đủ để đánh giá toàn diện về hiệu quả của các chính sách; bởi vì trong các chính sách này khoảng 50% là chính sách có tính chất hỗ trợ ngay tức thì, còn lại khoảng 50% là các chính sách cho phép dài hơn (ví dụ như chính sách vay trả lương để phục hồi sản xuất cho phép kéo dài hết 31/3/2022; chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động sau giãn cách này thì cho phép kéo dài để làm thủ tục hết tháng 6/2022). Những chính sách cụ thể thì có hiệu quả ngay; chính sách hỗ trợ bằng Nghị quyết 116 là 38.000 tỷ cho người tham gia bảo hiểm và đang bảo lưu chính sách bảo hiểm xã hội từ bảo hiểm thất nghiệp, chỉ có 5 ngày chúng ta đã rà soát và giải quyết, hỗ trợ cho 363.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách này. Cho đến nay 85% số người trong đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ 30.000 tỷ đã được thụ hưởng rồi. Phấn đấu 15/11 này giải quyết căn bản số số hỗ trợ này. Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng về cơ bản chính sách của chúng ta đang đi đúng hướng và bước đầu phát huy tác dụng tốt. ./.