Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội

Hôm nay (8/11), Quốc hội khóa XV bắt đầu đợt 2 của kỳ họp thứ 2 theo hình thức họp tập trung tại nhà Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Quốc hội dành toàn bộ thời gian làm việc của ngày 08 và 09/11 để thảo luận ở hội trường về: (1) Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.(2) Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. (3) Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương). Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đã có 106 đại biểu đăng ký phát biểu. Đại biểu Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh đã tham gia phát biểu thảo luận các nội dung này.


Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu tại kỳ họp (Chiều ngày 08/11/2021)

Theo đại biểu Ma Thị Thúy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời. Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cả nước đồng lòng chung sức thực hiện các giải pháp phòng chống dịch hiệu quả;  Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành sát sao, cụ thể, linh hoạt, hiệu quả trong suốt quá trình dịch bùng phát, đặc biệt khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát đã kịp thời ban hành Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 để đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch theo diễn biến thực tế, đã xác định đúng, trúng phương châm chống dịch là “Vắcxin+ 5K+ Công nghệ” và ý thức của người dân. Khi tình hình thay đổi, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, là một nghị quyết đột phá và phù hợp. Thực tế, có rất nhiều nước trên thế giới chọn giải pháp kiểm soát rủi ro, điều chỉnh hợp lý, trong chống dịch, lấy bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người dân là trên hết trước hết; xét nghiệm nhanh, khoanh vùng hẹp, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả; nỗ lực ngoại giao vắc xin để có nguồn vắc xin nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin, huy động cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân tham gia phòng chống dịch, nhân dân rất ấn tượng với hình ảnh của lực lượng y tế, quân đội, công an, các hoạt động an sinh xã hội trong phòng chống dịch, đến nay cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại lớn cho nhân dân và cho đất nước.

Nhờ các giải pháp điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thích ứng, an toàn, hiệu quả vừa phòng chống dịch, vừa quyết liệt trong điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, nhất là các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công và duy trì xuất khẩu hàng hoá, triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thực hiện nhiều biện pháp phục hồi phát triển kinh tế xã hội do vậy kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, lạm phát trong phạm vi cho phép của Quốc hội, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá, thu ngân sách 9 tháng đạt trên 90%, chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả để giành nguồn lực cho công tác phòng chống dịch; điều chỉnh linh hoạt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định chính sách vĩ mô và các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát,…là những quyết sách lớn, phù hợp để thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đặc biệt, Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội tổ chức một kỳ họp chuyên đề vào tháng 12 này để xem xét một số dự án luật vướng mắc từ thực tiễn hoặc bổ sung quy định mới để tạo thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…, đây là một sáng kiến lập pháp hết sức quan trọng, thể hiện sâu sắc sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách Ma Thị Thúy đồng tình cao với các nhóm giải pháp của Chính phủ đã đề ra những tháng còn lại của năm 2021 và trong năm 2022. Đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung trong thời gian tới, đó là: (1) Tăng cường hơn nữa khả năng đảm bảo nguồn vắc xin để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng cho người dân để đảm bảo an toàn khi doanh nghiệp, người dân chuyển trạng thái thích ứng an toàn, duy trì sinh hoạt, hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi kinh tế; tập trung chỉ đạo bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tối thiểu đạt 90% kế hoạch và quyết liệt chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 ngay từ những tháng đầu năm. (2) Đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở để đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp, quan tâm  ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến xã để đáp ứng được khả năng phòng chống dịch trong dài hạn. (3) Đặc biệt quan tâm đến các mục tiêu ưu tiên việc phục hồi, đưa lao động trở lại sản xuất, có giải pháp rất cụ thể để thực hiện hiệu quả trong thời gian tới về vấn đề này../.

Phòng Công tác Quốc hội

Tin cùng chuyên mục