Các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm tra báo cáo của UBND tỉnh trình kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khoá XIX

Chiều ngày 3/12/2022, các Ban của HĐND tỉnh tổ chức họp thẩm tra báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2023; Dự thảo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh năm 2023 do UBND tỉnh chuẩn bị trình tại kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa XIX. Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dự, chỉ đạo phiên họp.

Dự họp có các đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.


Các đại biểu dự họp.

Qua thẩm tra báo cáo của UBND tỉnh cho thấy: Năm 2022, trong bối cảnh thế giới và trong nước có biến động phức tạp, chưa có tiền lệ, dịch bệnh, thiên tai, thời tiết diễn biến không thuận lợi, tuy nhiên dưới sự lãnh lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, sự điều hành tập trung, linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh, của các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật là: Đã hoàn thành và vượt 19/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2022. Kinh tế tiếp tục phục hồi, phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt 8,66%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 17.670 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm nghiệp bảo đảm khung thời vụ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 2.784 tỷ đồng; thu hút trên 2,37 nghìn lượt khách du lịch, doanh thu xã hội từ du lịch đạt gần 2.457 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch. Môi trường đầu tư được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh được nâng lên, huy động tập trung nguồn lực để triển khai xây dựng, đầu tư nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, như: Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn; cầu Xuân Vân; dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trường THPT Chuyên Tuyên Quang tại địa điểm mới; Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn... Tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh, nổi bật là kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến;  Lễ khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang 2022, Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế... để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân và du khách. Lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động, việc làm tiếp tục có chuyển biến tốt; triển khai hiệu quả làm nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, công tác giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm, chăm lo; quốc phòng, an ninh được giữ vững. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có một số hạn chế, khó khăn như: Công tác chỉ đạo, điều hành trên một số lĩnh vực chưa sâu sát, quyết liệt; công tác phối hợp, tính chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện đầu tư công còn hạn chế; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số công trình, dự án chậm; phát triển doanh nghiệp trên địa bàn còn khó khăn; một số dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ nhưng chưa được xử lý kịp thời; thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp hạn chế. Công tác quy hoạch còn chậm, công tác quản lý trật tự đô thị, thực hiện chuyển đổi số chưa có nhiều chuyển biến. Chất lượng giáo dục chưa đồng đều; cơ sở vật chất trường học còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là ở những điểm trường, trường vùng sâu, vùng xa; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở một số nơi còn hạn chế, cơ sở vật chất của một số trạm y tế xã thiếu, xuống cấp; đời sống của một bộ phận nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn; công tác giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo còn chậm; chưa bố trí đủ nguồn lực để thực hiện một số chương trình, kế hoạch, đề án đã được phê duyệt; việc triển khai thực hiện một số chính sách đã được ban hành tại một số địa phương còn chậm, thiếu quyết liệt. Việc thực thi pháp luật ở một số nơi chưa nghiêm.   

Tại hội nghị thẩm tra, các Ban của HĐND tỉnh bày tỏ sự đồng tình cao với  báo cáo của UBND đồng thời phân tích, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung cụ thể theo từng lĩnh vực.


Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung phát biểu tại phiên họp.

Về lĩnh vực Kinh tế - Ngân sách, đại biểu HĐND tỉnh đề nghị làm rõ việc thực hiện dự án liên kết theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản hàng hoá, sản phẩm Ocop và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Việc vận chuyển cấu kiện kênh bê tông thành mỏng đúc sẵn đến địa điểm tập kết tại chân công trình ở các thôn, tổ dân phố theo Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ kiên cố hoá kênh mương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; đánh giá kết quả đạt được về giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 và đề nghị phân tích, làm rõ sự phù hợp, căn cứ thực hiện chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023, nhất là đối với một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu như điện, dệt may, giày da; kết quả thực hiện việc cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC năm 2022 chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh; việc thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách năm 2023; tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2022, nhất là tiến độ đối với xã chưa hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới; việc duy trì, giữ vững đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; việc xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đặc biệt trong thực hiện một số tiêu chí như thu nhập, hộ nghèo. Bổ sung kết quả, đánh giá rõ nét hơn về hoạt động của hợp tác xã, tham gia đưa sản phẩm Ocop lên sàn giao dịch điện tử.

Lĩnh vực đất đai, các Ban HĐND tỉnh đề nghị làm rõ Công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai chưa đồng bộ dẫn đến khó khăn, hạn chế công tác quản lý tại cơ sở; công tác quy hoạch, quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nhân dân có mặt chưa đáp ứng yêu cầu.


Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang phát biểu tại phiên họp.

Về lĩnh vực Văn hoá - Xã hội, các Ban của HĐND tỉnh đề nghị làm rõ kết quả, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thực hiện chỉ tiêu về tham gia bảo hiểm y tế của người dân; tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ; việc xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa nhà văn hoá gắn với sân thể thao và khuôn viên; công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; công tác dân số, gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em; đào tạo, thu hút việc làm cho lao động; kết quả thực hiện giải quyết vướng mắc về thanh quyết toán bảo hiểm y tế; trách nhiệm các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần thực hiện năm 2023.

Về lĩnh vực nội chính, tư pháp, các Ban của HĐND tỉnh đề nghị làm rõ: Giải pháp khắc phục kịp thời tình trạng mất an toàn giao thông tại một số địa điểm đông dân cư, trường học vào các giờ cao điểm; quan tâm công tác quản lý người nghiện, người bị kết án, người tâm thần trên địa bàn tỉnh; bổ sung báo cáo của UBND tỉnh về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh.

Về lĩnh vực dân tộc, các Ban của HĐND tỉnh đề nghị làm rõ kết quả thực hiện việc xoá nhà tạm, dột nát cho các đối tượng gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có lúc, có nơi chưa hiệu quả. Việc triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Việc thực hiện công tác di dân ra khỏi vùng nguy hiểm còn có khó khăn, vướng mắc nhất định.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị thẩm tra, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kết quả năm 2022 của UBND tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh, đây là báo cáo trung tâm, có tính chất tổng quát, vì vậy cần có tính khái quát cao, tổng hợp, súc tích, các số liệu đưa ra phải có tính logic; việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trong quản lý điều hành phải đồng bộ, phù hợp với giải pháp thực hiện, nhất là trong công tác cải cách thủ tục hành chính, công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương. Đồng chí đề nghị các cấp, các ngành cần nghiêm túc đánh giá về thực hiện chuyển đổi số của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Về các chỉ tiêu phát triển năm năm 2023, bên cạnh những chỉ tiêu cụ thể thì cần có các giải pháp chiến lược dài hơi đối với từng ngành, từng lĩnh vực. UBND tỉnh và các các đơn vị liên quan cần tiếp thu các ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh để bổ sung, hoàn thiện báo cáo trình kỳ họp; các Ban của HĐND tỉnh hoàn thiện báo cáo thẩm tra trên từng lĩnh vực, bảo đảm phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh chất lượng, hiệu quả, căn cứ quan trọng để HĐND tỉnh quyết nghị thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2023.

Thuỳ Linh
Ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục