Các Ban của HĐND tỉnh thẩm tra báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khoá XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chiều ngày 13/7/2021, các Ban của HĐND tỉnh đã tổ chức phiên họp thẩm tra Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh 6 tháng cuối năm 2021.

Dự họp có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phùng Tiến Quân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh; Nông Thị Bích Huệ, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh; Hoàng Việt Phương, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư; các đồng chí Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan; Ủy viên các Ban của HĐND tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh.


Các đại biểu dự họp.

Thay mặt cho UBND tỉnh, đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư đã trình bày báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh 6 tháng cuối năm 2021. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã có những bước phát triển khá về kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tốc độ tăng trưởng đạt 6,19%, giá trị sản xuất công nghiệp và sản lượng một số sản phẩm công nghiệp tăng khá so với cùng kỳ, kết quả giải ngân vốn đầu tư công tăng so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, thu hút, mời gọi một số nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh; thực hiện tốt công tác chăm lo cho người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; cải cách hành chính được duy trì; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường góp phần đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Sau khi nghe báo cáo của UBND tỉnh, lãnh đạo và uỷ viên các Ban của HĐND tỉnh đã đưa ra ý kiến đề nghị UBND tỉnh, các ngành chuyên môn của UBND tỉnh làm rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế và đề ra các giải pháp để tập trung triển khai chỉ đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2021.

Về lĩnh vực kinh tế: Tình trạng khai thác lâm sản trái phép; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tiến độ triển khai thực hiện các công trình khởi công mới năm 2021; kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đạt thấp; nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021…

- Về lĩnh vực an ninh - nội vụ - quốc phòng: Tình trạng xuất nhập cảnh trái phép; tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2021; khó khăn trong đưa người nghiện ma tuý vào các cơ sở cai nghiện tập trung; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật; công tác phối hợp của các ngành trong giải quyết công việc của dân; những sai sót, hạn chế trong thực hiện Dự án đo đạc, lập bản đồ địa chính…

- Về lĩnh vực văn hoá - xã hội: Duy trì tỷ lệ huy động trẻ theo Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 10/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XVI) tại các cơ sở mầm non ngoài công lập, chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu; triển khai đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 291/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 31/8/2017 ban hành Đề án về sắp xếp lại điểm trường, lớp học gắn với bố trí số lượng người làm việc đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017 - 2021; tuyển dụng cán bộ y tế cơ sở tuyến xã theo quy định tại Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ, rà soát, lập danh sách các trường hợp người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2021 còn chậm; số người trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đạt kế hoạch; tình trạng nợ đọng Bảo hiểm xã hội còn diễn ra tại các doanh nghiệp; kết quả tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chưa đạt kế hoạch; hiệu quả phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở thấp, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai; tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Uỷ ban Dân tộc phê duyệt Danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 tới tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế…

- Về lĩnh vực công tác dân tộc: Việc triển khai thực hiện một số chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, như: Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025” và Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 18/6/2020 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh còn lúng túng, triển khai thực hiện còn chậm; Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn có mặt còn hạn chế, 6 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh có 64 cặp tảo hôn; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở một số xã chưa được thường xuyên, sâu rộng; việc thi hành pháp luật, phát hiện và xử lý vụ việc vi phạm về hôn nhân và gia đình còn hạn chế, chưa nghiêm, chưa kịp thời...

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh có những giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVII về tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân năm (đạt trên 8%); đảm bảo thực hiện hiệu quả, kịp thời các nghị quyết của HĐND tỉnh; phát triển nông lâm nghiệp, thuỷ sản, xây dựng nông thôn mới; bố trí kinh phí bảo vệ môi trường xử lý rác thải nguy hại; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải thiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân…

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, một số ngành chuyên môn đã tiếp thu các ý kiến giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu đã nêu. Đồng chí Hoàng Việt Phương, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị các cơ quan chuyên môn nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu; nghiên cứu, xem xét bổ sung hoàn thiện báo cáo trước khi trình kỳ họp HĐND tỉnh; dành sự quan tâm thích đáng; tăng cường công tác phối hợp để có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu tại phiên họp.


Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao các nội dung thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh, ý kiến thảo luận của thành viên các Ban của HĐND tỉnh. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các Ban của HĐND tỉnh và các đại biểu; tập trung khắc phục những hạn chế, thiếu sót, khó khăn để bảo đảm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Các cơ quan chuyên môn phải tích cực tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp cụ thể, khả thi nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đảm bảo các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, các quy định của Nhà nước đi vào đời sống. Trong thời gian tới, HĐND tỉnh tăng cường giám sát tiến độ, kết quả khắc phục những tồn tại, hạn chế của các cơ quan chuyên môn; các Ban của HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra, xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan vấn đề khi thực hiện thẩm tra để đưa ra những kết luận thẩm tra, có những kiến nghị cụ thể, chính xác; tăng cường phối hợp giữa cơ quan giám sát và UBND tỉnh, các sở, ban, ngành; đảm bảo thống nhất chung trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngọc Trâm

Tin cùng chuyên mục